PERIJASAURUS: KHỦNG LONG MANG TÊN HÒA BÌNH

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnDanh pháp khoa học của các loài khủng long không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học.

Bạn nhớ được bao nhiêu danh pháp khoa học của khủng long? Thoạt nhìn, những danh pháp đó, hay ở đây tạm gọi là "tên" đi, là những từ gốc Latin khó nhớ, khó đọc, thậm chí chúng ta còn chẳng biết nghĩa của chúng. Nhưng nếu tìm hiểu sâu hơn, bạn sẽ thấy đằng sau đó có thể là cả một câu chuyện dài về hành trình khám phá và khát vọng của những người làm khoa học.

Trong số các loài khủng long, có một loài được đặt tên là "hòa bình".

Mọi chuyện bắt đầu từ dãy núi Perija, một dãy núi hùng vĩ và xinh đẹp nằm trên vùng biên giới giữa hai nước Colombia và Venezuela. Tại đây, vào năm 1943, trong một chuyến thăm dò địa chất của Công ty Dầu Nhiệt đới, các chuyên gia của công ty này đã đào được một thứ kỳ lạ, rất có thể là hóa thạch của một sinh vật cổ xưa nào đó. Họ lập tức gửi mẫu vật này về Mỹ, đến Đại học California ở Berkeley để các nhà cổ sinh vật học ở đây xem xét. Phải đến mười hai năm sau, một nghiên cứu sơ bộ về hóa thạch này mới được xuất bản với nhan đề: "Một loài khủng long chân thằn lằn từ Colombia" (Journal of Paleontology, 1955). Họ chỉ biết hóa thạch này thuộc về một loài khủng long chân thằn lằn, nhưng không biết đó là loài nào và cũng không đưa ra đánh giá gì về tầm quan trọng khoa học của hóa thạch.

Dãy núi Perija. Ảnh: Alchetron.

Trên thực tế, muốn hiểu biết sâu hơn về hóa thạch, các nhà cổ sinh vật học có thể cần đến tận nơi tìm ra nó để nghiên cứu về địa chất, môi trường và tìm thêm những hóa thạch khác cùng loại. Tuy nhiên, vào năm 1964, cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ Colombia và lực lượng du kích FARC đã không cho mong muốn đó trở thành hiện thực. Dãy núi Perija cũng trở thành một nơi diễn ra các cuộc giao tranh giữa hai phe, trở nên vô cùng nguy hiểm đối với bất kỳ thường dân nào muốn đến đó. Cuộc xung đột đẫm máu kéo dài hàng chục năm đã khiến hơn 22 vạn người mất mạng, hàng triệu người mất nhà cửa, gây bất ổn cho toàn bộ khu vực.

Chán ngán vì cảnh chiến tranh khói lửa, người dân Colombia đứng lên đòi sự thay đổi. Cuối cùng, hai bên chính phủ Colombia và FARC đã đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với nhau và đi đến một hiệp định hòa bình, chấm dứt xung đột được ký kết tại La Paz, thủ đô của nước Bolivia. Người ta thường gọi đó là Hiệp định La Paz.

Can qua chấm dứt, rốt cuộc các nhà khoa học cũng có thể tiếp cận khu vực đã tìm ra hóa thạch năm xưa để tìm hiểu thêm về nó. Năm 2018, nhà cổ sinh vật học Jeffrey Wilson đã được quỹ Fulbright cấp quyền nghiên cứu hóa thạch này cùng một số nhà khoa học khác. Họ làm sạch hóa thạch, bóc tách các lớp thạch cao và keo đã có tuổi đời hàng chục năm bao bọc bên ngoài. Cả nhóm nhận ra một điều đáng kinh ngạc: hóa thạch đốt sống này không thuộc về một loài đã biết. Những công nghệ mới thậm chí còn giúp họ nhìn thấy những khía cạnh khác mà hàng chục năm trước, dù có muốn các nhà khoa học cũng không thể nhìn thấy được: các phiến xương mỏng manh kết nối những phần lồi ra của đốt sống - cột sống, các khớp đốt sống, khớp sườn.

Hình ảnh phục dựng của khủng long Perijasaurus. Ảnh: cisiopurple.

Điều cần làm tiếp theo là xác định chính xác vị trí nơi hóa thạch được tìm ra. Để làm điều này, họ phải dựa vào một tấm bản đồ vẽ tay có từ năm 1955 đánh dấu vị trí của hóa thạch, kết hợp với các ảnh chụp vệ tinh. Sau khi xác định được vị trí, cộng thêm thông tin từ các lớp trầm tích được bóc tách ra từ hóa thạch, các nhà khoa học mới khẳng định hóa thạch này có niên đại từ 175 triệu năm trước! Đây không những là một loài khủng long chân thằn lằn mới, mà còn là một loài rất cổ - có thể là một trong những mắt xích đầu tiên trong quá trình tiến hóa của khủng long chân thằn lằn ở Nam Mỹ nói riêng và cả thế giới nói chung. Kiến trúc của đốt sống thể hiện những đặc điểm tiến hóa của khủng long chân thằn lằn ở một giai đoạn sớm hơn: đó là sự hiện diện của các khoang khí với mật độ còn thấp và số lượng hạn chế, nhưng cũng đã bắt đầu giúp loài khủng long chân thằn lằn này giảm bớt thể tích xương, qua đó giảm trọng lượng tổng của cả cơ thể.

Khi đã xác định được một loài mới, việc phải làm chính là định danh cho nó. Sau một hồi thảo luận, các nhà khoa học quyết định sẽ lấy địa danh nơi đã tìm ra hóa thạch làm tên chi (genus), vì thế chúng ta có Perijasaurus (thằn lằn Perija). Nhưng còn tên loài (species) thì sao? Còn gì ý nghĩa hơn việc lấy tên hiệp định hòa bình đã giúp các nhà khoa học quay trở lại dãy núi Perija làm tên loài? Và như vậy chúng ta có Perijasaurus lapaz. Trùng hợp thay, cái tên La Paz trong tiếng Tây Ban Nha cũng có nghĩa là hòa bình.

Đó là một hành trình khám phá đầy vất vả và gian truân, nhưng cũng đầy ý nghĩa. Vượt qua nhiều khó khăn và trở ngại, cuối cùng các nhà khoa học cũng có thể đặt hóa thạch Perijasaurus lapaz vào một vị trí xứng đáng trong phả hệ của các loài khủng long chân thằn lằn. Đồng thời, cái tên Perijasaurus lapaz như một sự nhắc nhở cho nhân loại về giá trị của nền hòa bình, không chỉ đối với nhân dân Colombia mà còn với cả thế giới.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét