CÓ PHẢI T. REX TIẾN HÓA THÀNH GÀ?

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnThật sự thì giữa T. rex và những con gà ngày nay có mối quan hệ máu mủ trực tiếp hay không?

Cần biết rằng, dù đã có gần 200 năm nghiên cứu chính thức về khủng long tính từ thời điểm loài khủng long đầu tiên là Megalosaurus bucklandi được đặt tên vào năm 1824, nhưng quả thực cho đến nay, những gì chúng ta biết về khủng long vẫn còn quá ít và thậm chí, vẫn còn đó không ít những hiểu lầm về chúng.

Những hiểu lầm này có thể đến từ những thông tin sai lệch ở bất cứ đâu mà bạn tiếp nhận được: trong những sách chứa kiến thức lạc hậu, thông tin không chính xác trên mạng Internet hay từ truyền miệng của những người khác mà bản thân cũng không hiểu chính xác về khủng long. Và khi được gieo đủ nhiều và đủ lâu, những thông tin đó sẽ trở thành niềm tin cố hữu của chúng ta về khủng long nếu không được giải thích đúng sai kịp thời.

Nhiều người tin rằng, gà chính là hậu duệ trực tiếp của T. rex. Ảnh: brent4861 / DeviantArt.

Gần đây, một trong những hiểu lầm mà chúng ta thường thấy nhất trên mạng nói về việc T. rex chính là tổ tiên trực tiếp của những anh bạn gà kêu cục ta cục tác mà bạn vẫn thường xuyên tiếp xúc dưới dạng phổ biến nhất là thức ăn. Thông tin này có thể được thể hiện dưới dạng các hình meme và tạo ra những làn sóng vui vẻ trong các tương tác cũng như bình luận.

Vậy có thật T. rex đã tiến hóa để trở thành gà ngày nay hay không? Nếu không thì truyền thuyết đó có nguồn gốc từ đâu và được lý giải như thế nào?

CON NGƯỜI KHÁM PHÁ RA MỐI LIÊN HỆ GIỮA KHỦNG LONG VÀ CHIM

Trước tiên, như thường lệ thì chúng ta hãy quay ngược thời gian một chút để tìm hiểu xem con người đã tìm ra mối liên hệ giữa chim và khủng long như thế nào. Như các bạn đã biết, thuật ngữ "khủng long", tức "dinosaur" trong tiếng Anh ra đời vào năm 1842 từ đề xuất của nhà cổ sinh vật học lừng danh khi đó là Sir Richard Owen. Và chỉ khoảng 17 năm sau đó, đã có người đầu tiên cho rằng chim chính là hậu duệ trực tiếp của khủng long. Đó là nhà sinh vật học người Anh, đồng thời cũng là một trong những người ủng hộ thuyết tiến hóa của Darwin, Thomas Henry Huxley. Ông đã chỉ ra những nét tương đồng giữa nhiều loài khủng long và "con chim đầu tiên", Archaeopteryx cũng như các loài chim hiện đại. Mặc dù vậy, không nhiều người tin vào giả thuyết của Huxley.

Thomas Henry Huxley, một trong những người đầu tiên cho rằng chim tiến hóa từ khủng long.

Năm 1926, nhà cổ sinh vật học người Đan Mạch Gerhard Heilmann, trong cuốn sách có tầm ảnh hưởng sâu rộng của ông là Nguồn gốc các loài chim (The Origin of Birds), đã phủ nhận mối liên quan giữa khủng long và chim bởi cho rằng khủng long không có chạc xương đòn, điều đã bị các bằng chứng hóa thạch sau này chứng minh là không đúng. Dẫu vậy thì giả thuyết của Gerhard Heilmann được đón nhận nhiều hơn, các nhà cổ sinh vật học tin rằng chim tiến hóa từ các nhóm động vật giống cá sấu gọi là crocodylomorpha hay thecodont chứ không phải từ khủng long. Khủng long từ đó bị loại bỏ khỏi vai trò trung tâm trong các cuộc tranh luận về nguồn gốc của các loài đang tồn tại, đồng thời sự quan tâm của giới học thuật đối với quá trình tiến hóa ở khủng long cũng suy giảm mạnh mẽ. Khủng long suốt một thời gian dài chẳng khác nào những con quái vật tiền sử không có nguồn gốc, cũng chẳng có hậu duệ nối dõi tông đường.

Nhiều thập niên sau, vào năm 1964, một nhà cổ sinh vật học tài năng tại Đại học Yale là John Ostrom khám phá ra hóa thạch của một loài khủng long ăn thịt cỡ nhỏ. Ông đặt danh pháp cho nó là Deinonychus antirrhopus. Khi nghiên cứu kỹ lưỡng bộ xương của loài khủng long này ông nhận ra sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa nó và bộ xương của các loài chim hiện đại. Điều này khiến Ostrom tin rằng Huxley đã đúng, và chim thật sự đã tiến hóa từ khủng long. Đến lúc này, các nhà cổ sinh vật học mới bắt đầu lật lại nghiên cứu về những con khủng long giống chim chẳng hạn như Velociraptor, vốn đã được tìm thấy từ nhiều thập niên trước nhưng chẳng ai mảy may nghĩ đến mối liên hệ giữa chúng và các loài chim cả. 

Deinonychus antirrhopus. Tranh của Fred Wierum.

Đó là giai đoạn mà người ta gọi là sự phục hưng của khủng long. Những phát hiện sau đó của các nhà cổ sinh vật học khác càng ủng hộ mạnh mẽ hơn giả thuyết khủng long đã tiến hóa thành chim, trở thành giả thuyết được giới khoa học đồng thuận rộng rãi. Không chỉ vậy, chúng ta còn phát hiện ra nhiều điều thú vị hơn về lối sống, hành vi cũng như thể chất của khủng long. Khủng long, từ hình ảnh những con bò sát ù lì, cơ thể bọc vảy, chậm chạp và kém thông minh nay đã được khắc họa lại với lông vũ, sự linh hoạt và trí tuệ ở mức cao hơn rất nhiều những gì con người từng mường tượng. Chúng có khả năng hoạt động theo bầy, làm tổ, chăm sóc con non...

KHỦNG LONG TIẾN HÓA THÀNH CHIM CÓ PHẢI LÀ TIẾN HÓA LÙI?

Như vậy là mối quan hệ giữa khủng long và các loài chim, trong đó bao gồm cả các loài gia cầm như gà hay vịt đã được thiết lập một cách tương đối chắc chắn. Tuy nhiên, lại có một vấn đề khác ở một bộ phận những người quan tâm và yêu thích khủng long, đó là họ cho rằng việc khẳng định khủng long đã tiến hóa thành chim chẳng khác nào sự sỉ nhục đối với một tượng đài. Khủng long trong mắt họ là những sinh vật vĩ đại, hùng mạnh và đáng sợ, nay lại biến thành những chú chim kêu chíp chíp hay bạn gà kêu cục ta cục tác thì còn gì là oai nghi nữa. Thậm chí, nhiều người còn gọi thẳng khủng long tiến hóa thành chim chính là sự tiến hóa lùi, giống như trang truyện dưới đây, khi nhân vật Sauron, một ác nhân có hình dạng của một con dực long trong truyện Marvel, gọi chim là "những kẻ phản bội thối tha và cho rằng lũ chim đã chọn "đi lùi" trong khi có thể làm khủng long.

Vậy thật sự thì từ khủng long tiến hóa thành chim có phải là tiến hóa lùi hay không? Trong quan niệm của nhiều người, tiến hóa là phải trở nên to hơn, nặng hơn, cao hơn, nhiều răng hơn, nhiều gai hơn, hầm hố hơn (như tiến hóa trong Pokemon vậy) nhưng tự nhiên lại nghĩ khác. Có thể bạn không nhớ hết toàn bộ mọi chi tiết trong Thuyết tiến hóa của Darwin cũng như những lý thuyết bổ sung cho nó, nhưng điều cơ bản nhất bạn phải nhớ về sự tiến hóa đó chính là "survival of the fittest", có nghĩa "sự sống sót của những cá thể phù hợp nhất". Điều này thậm chí còn có thể áp dụng cả vào đời sống xã hội chứ không chỉ tự nhiên. Nếu bạn không thích nghi với môi trường xung quanh, bạn sẽ không thể sống sót. Và ở mỗi loài, chúng có thể có chiến lược thích nghi khác nhau, miễn là còn sống để có thể di truyền mã gien của chúng cho những thế hệ sau.

Trái đất là một hành tinh luôn thay đổi, có thể không phải trong ngày một ngày hai mà trong quãng thời gian hàng nghìn hàng triệu năm. Chưa hết, một tác nhân từ bên ngoài vũ trụ cũng có thể khiến môi trường và khí hậu trên Trái đất thay đổi đột ngột, chẳng hạn như tiểu hành tinh Chicxulub từng đâm vào Trái đất cách đây 66 triệu năm trước khiến các loài khủng long phi điểu tuyệt chủng. Chúng đã không kịp thích nghi với sự thay đổi đó và phải nhường chỗ lại cho những kẻ thích nghi tốt hơn, đó là động vật có vú, hay các loài chim. Các loài chim sống sót qua thảm họa có thể không to lớn, không sở hữu hàm răng sắc nhọn như T. rex, nhưng chúng đã thích nghi tốt với điều kiện hậu thảm họa, chẳng hạn như cái mỏ giúp chúng dễ dàng tiếp cận các loại hạt và rễ cây chôn trong đất, trong lúc chuỗi thức ăn toàn cầu sụp đổ và thức ăn, đặc biệt là thịt trở nên vô cùng khan hiếm. Kích thước nhỏ cũng là một lợi thế khi chúng cần lượng thức ăn ít hơn những gã khổng lồ. Nhắc đến đây tôi lại nhớ đến câu nói của hoàng đế bóng đá Franz Beckenbauer: "Kẻ chiến thắng mới là kẻ mạnh." Trong trường hợp sự tiến hóa, chúng ta có thể sửa lại thành: "Kẻ sống sót mới là kẻ mạnh." Vì thế tiến hóa không có cao hay thấp, chỉ có thích nghi hoặc không thích nghi mà thôi.

VẬY T. REX CÓ TIẾN HÓA THÀNH GÀ HAY KHÔNG?

Bây giờ, hãy quay trở lại với câu hỏi chính của chúng ta ngày hôm nay: có phải gà là hậu duệ trực tiếp của T. rex hay không? Nói cách khác, có phải T. rex tiến hóa thành gà hay không? Thật ra, giống như cách chúng ta gọi nhầm dực long và thương long thành khủng long, đây lại là một truyền thuyết sai lầm bắt nguồn từ cách đưa tin của truyền thông. 

Sự việc bắt đầu vào năm 2003, khi hai nhà cổ sinh vật học Jack Horner và Mary Schweitzer khai quật được một khúc xương đùi T. rex khổng lồ ở vùng hoang dã tại bang Montana, Mỹ. Vì chiếc trực thăng của họ không đủ để chứa chiếc xương này, hai nhà cổ sinh vật học đã quyết định chia nó thành hai phần để có thể nhét vừa máy bay. Nếu họ có một chiếc máy bay lớn hơn, mọi việc có thể đã rất khác.

Trong quá trình nghiên cứu khúc xương đã bị cưa đôi này, Horner và Schweitzer bằng những công cụ hiện đại nhất đã phát hiện ra một báu vật: đó là một phần mô mềm có chứa các phân tử collagen cổ đại, thứ mà trước đây người ta cho rằng không thể tồn tại quá một triệu năm. Họ tiến hành phân lập phần mô mềm này để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn.

Đến năm 2008, một nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ John Asara đứng đầu đã tiến hành so sánh thành phần của phân tử collagen được tìm thấy trên xương T. rex với 21 động vật còn tồn tại ngày nay, trong đó có con người, tinh tinh, chuột, cá sấu, cá hồi… cùng với hai đại diện của họ nhà  chim là gà và đà điểu. Kết quả cho thấy, thành phần collagen của T. rex tương đồng nhất với gà và đà điểu; tiếp theo là cá sấu. Tin tức này đã gây xôn xao vào thời đó khi nó chứng minh mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn mối liên hệ giữa khủng long và chim. Tuy nhiên, khi đưa tin, một số tít báo đã không hề đả động gì đến đà điểu mà chỉ nhắc đến gà. Chính vì thế, nhiều người tưởng lầm rằng T. rex chỉ có mối quan hệ gần gũi nhất với gà và gà chính là hậu duệ trực tiếp của T. rex, dù trên thực tế thì quan hệ giữa T. rex với gà chẳng khác gì T. rex với đà điểu cả, và rất có thể cũng như với toàn bộ các loài chim hay gia cầm khác. Như đã nói, điều này chỉ chứng minh các loài chim hiện đại ngày nay chính là hậu duệ của khủng long, chứ không chứng minh rằng T. rex đã tiến hóa thành gà như nhiều người vẫn nghĩ.

Phân loại học hiện nay cho rằng T. rex và các loài chim - gia cầm từng có chung tổ tiên cách đây ít nhất 166 triệu năm trước, là những loài khủng long gốc của nhánh Tyrannoraptora. Ảnh: Wikipedia.

Vậy mối quan hệ giữa T. rex và gà là như thế nào? Theo những hiểu biết và các phân loại cụ thể hiện nay, T. rex và gà từng có một tổ tiên chung cách đây ít nhất 166 triệu năm trước, đó là những con khủng long gốc của nhánh có tên gọi là Tyrannoraptora. Sau đó, Tyrannoraptora phân thành hai nhánh nữa gồm Tyrannosauroidea và Maniraptora. Tyrannosauroidea chính là nhánh sau này có sự xuất hiện của T. rex và những họ hàng gần. Trong khi đó, nhánh Maniraptora là của những loài khủng long có nhiều đặc điểm giống chim hơn cũng như chính các loài chim, trong đó có gà sau này. Nói cách khác, mối quan hệ giữa T. rex và gà giống như mối quan hệ của bạn với ông chú ông bác chứ không phải ông ruột vậy.

Như vậy có thể khẳng định rằng, T. rex không phải là tổ tiên trực tiếp của gà và ngược lại, gà cũng không phải là con cháu trực tiếp của T. rex. Câu chuyện có vẻ đã bị tam sao thất bản và vì tính hài hước của nó mà đã được nhiều người chấp nhận, tin là thật. Thế nên, lần sau có gặp ai rêu rao rằng gà là con cháu của T. rex thì hãy thông não họ các bạn nhé!

Đăng nhận xét

0 Nhận xét