NHỮNG CÚ LỪA HÓA THẠCH (PHẦN 1): CÚ LỪA THẾ KỶ ARCHAEORAPTOR

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnMột câu chuyện từng làm chấn động cả ngành cổ sinh vật học thế giới, tất cả bắt đầu từ một anh nông dân "láu cá" người Trung Quốc.

Số là vào thập niên 1990, Trung Quốc bắt đầu trở thành trung tâm chú ý của giới cổ sinh vật học thế giới khi nhiều hóa thạch có giá trị được tìm thấy tại đây. Ở những vùng quê nghèo Trung Quốc, chẳng hạn như tỉnh Liêu Ninh, việc tìm thấy hóa thạch và bán đi để đổi lấy một số tiền lớn đã trở thành một "giấc mơ đổi đời" mới kể từ khi hóa thạch của chi khủng long có lông vũ đầu tiên là Sinosauropteryx được khai quật tại tỉnh này vào năm 1996. Nhiều người bắt đầu trở thành những thợ săn hóa thạch bán chuyên.

Vùng đất ngày nay là Liêu Ninh vào Kỷ Phấn Trắng có rất nhiều hồ và đầm lầy, khi kết hợp với vô số các vụ phun trào núi lửa đã tạo nên một môi trường lý tưởng để bảo quản một lượng lớn hóa thạch, với mức độ chi tiết rất cao. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất khiến Liêu Ninh trở thành nơi đào được nhiều hóa thạch hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Quan trọng hơn chính là việc người Trung Quốc có thể đầu tư một lượng nhân lực khổng lồ vào việc đào hóa thạch. Hãy thử nghĩ xem họ đã dùng bao nhiêu nhân công để xây Vạn Lý Trường Thành thì họ cũng có thể dùng từng đó để đi đào hóa thạch vậy.

Nhiều người trong số này là nông dân, họ tìm cách đổi đời bằng cách đi đào hóa thạch và bán cho những tay buôn. Dù việc này là bất hợp pháp ở Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng giúp nhiều giống loài cổ đại mới được phát hiện. Các hóa thạch chất lượng cao có thể được bán với giá lên đến hàng chục nghìn đô-la, một số tiền đánh giá cả gia tài khi so sánh với mức thu nhập hằng tháng khi đó ở xứ sở tỷ dân. Đa phần các hóa thạch khủng long được trưng bày ở các bảo tàng Trung Quốc là do lực lượng này tìm thấy.

Tuy nhiên, do không được đào tạo chính quy, nên số hóa thạch do lực lượng nông dân tìm thấy phần nhiều bị hư hỏng. Họ cũng không có đủ trình độ để xác định những mảnh nào là của cùng một hóa thạch. Vì biết hóa thạch nguyên vẹn có giá hơn nhiều, nên họ đã tự mình ghép những mảnh vỡ lại với nhau mà không quan tâm đến tính chính xác của chúng. Và vì có những người rất giỏi trong việc ngụy tạo hóa thạch, nên nhiều khi những tay buôn hóa thạch cho đến những nhà cổ sinh vật học chuyên nghiệp không phát hiện ra điểm đáng ngờ trên các mẫu vật mà họ mua lại từ những anh nông dân này.

Một trong những mẫu vật như vậy đã khiến giới cổ sinh vật học phương Tây ngã ngửa vì bị lừa. Mọi chuyện có thể đã bắt đầu vào tháng Bảy năm 1997 ở Hạ Tam Gia Tử, tỉnh Liêu Ninh, nơi một người nông dân nào đó đã đào được hóa thạch hiếm của một loài chim có răng, với dấu vết của lông vũ. Tuy nhiên, hóa thạch này đã bị vỡ trong quá trình khai quật. Ở một hố đào gần đó, anh ta lại tìm được hóa thạch của một cái đuôi có lông vũ và chân. Vậy là anh ta dùng xi măng ghép những mảnh này lại với nhau theo cách mà anh ta nghĩ là chính xác. Hóa thạch này sau đó được bán lại cho một tay buôn ẩn danh vào tháng Sáu năm 1998 rồi được đưa lậu sang Mỹ. Sở dĩ phải đưa lậu là vì, theo luật Trung Quốc, bất kỳ hóa thạch nào được tìm thấy trên đất của họ đều không được đưa ra nước ngoài.

Đến mùa thu năm 1998, tại cuộc họp của Hội Cổ sinh vật học Động vật có xương sống tổ chức tại Utah (Mỹ), một tin đồn được lan truyền với nội dung một nhà sưu tập tư nhân đang nắm giữ hóa thạch gây kinh ngạc của một loài chim tiền sử. Hóa thạch này sau đó được trưng bày tại một hội chợ đá quý ở Tucson, Arizona. Cuối cùng, Bảo tàng Khủng long ở Blanding do điêu khắc gia quá cố Stephen A. Czerkas (mất năm 2015) cùng điều hành với vợ đã quyết định mua lại hóa thạch này vào tháng Hai năm 1999. Vấn đề là Czerkas không phải một nhà cổ sinh vật học chuyên nghiệp. Ông không có bằng đại học và chỉ là một người đam mê ngành cổ sinh vật mà thôi. Đó có lẽ là lý do khiến ông nhận định nhầm về hóa thạch này - chính là hóa thạch đã được anh nông dân Trung Quốc ở Liêu Ninh "xào chẻ".

Mục đích của Czerkas là tốt. Ông muốn mua lại hóa thạch để nó không rơi vào tay một nhà sưu tập tư nhân khác, để các nhà khoa học có điều kiện nghiên cứu nó. Hơn nữa, ông cũng muốn đem lại điểm nhấn cho Bảo tàng của mình với mẫu hóa thạch quý hiếm và đặc biệt này. Czerkas liên hệ với nhà cổ sinh vật học Phil Currie, nhờ ông trực tiếp nghiên cứu và mô tả mẫu hóa thạch mới. Currie lại liên hệ với Hội Địa lý Quốc gia để thông báo về nghiên cứu của mình, và Hội Địa lý Quốc gia cũng rất hào hứng trước phát hiện này. Họ dự định sẽ công bố về hóa thạch mà Czerkas đã mua lại trên tạp chí National Geographic và một cuộc họp báo công khai. Họ tin tưởng đây là một phát hiện chấn động đến nỗi biên tập viên Bill Allen của tạp chí National Geographic còn yêu cầu tất cả những người liên quan không được nói gì về thông tin này với bất cứ ai.

Đội ngũ nghiên cứu hóa thạch ngoài Currie còn có sự tham gia của một chuyên gia về khủng long từ Trung Quốc tên là Xu Xing. Tuy nhiên, đi ngược lại với kỳ vọng của cả nhóm, ngay buổi làm việc đầu tiên họ đã phát hiện ra nhiều vấn đề bất ổn ở hóa thạch này. Currie nhận thấy không hề có sự liên hệ nào giữa phần đuôi và phần thân. Đến tháng Bảy năm 1999, Currie và Czerkas đưa hóa thạch đi chụp X-quang độ phân giải cao ở Đại học Texas. Tiến sĩ Timothy Rowe, người trực tiếp chụp X-quang cho hóa thạch nhận thấy những mảnh hóa thạch ở phần dưới gồm đuôi và chân không "ăn nhập" gì với phần lớn hơn ở trên. Rowe thông báo cho Czerkas rằng rất có thể đây là một sản phẩm lừa đảo. Czerkas tỏ ra không tin.

Đến tháng Chín cùng năm, Currie cử chuyên gia xử lý hóa thạch Kevin Aulenback đến Bảo tàng Khủng long của Czerkas ở Blanding để tiếp tục xử lý và xem xét hóa thạch kỹ lưỡng hơn. Phản hồi sau đó của Aulenback khá bi quan khi cho rằng hóa thạch này "là một mẫu vật hỗn hợp của ít nhất ba mẫu vật... và tối đa là năm mẫu vật riêng biệt". Gia đình Czerkas như đã phóng lao phải theo lao, tức tối bác bỏ kết quả trên. Aulenback vì nguyên tắc giữ bí mật mà chỉ báo chuyện này cho Currie, và Currie quyết định không báo lại những vấn đề này với tạp chí National Geographic.

Trước đó vào ngày 13 tháng Tám năm 1999, nhóm nghiên cứu của Czerkas, Currie, Rowe và Xu Xing đã nộp một bản thảo có tựa đề "Một loài chim có răng mới với đuôi giống khủng long dromaesaur" cho tập san Nature ở Luân Đôn. Tuy nhiên, tập san Nature đã trả bản thảo này lại bởi họ cho rằng mình không có đủ thời gian để bình duyệt (peer review) bản thảo này. Sau đó, nhóm lại tiếp tục nộp bản thảo cho một tập san uy tín khác là Science. Tập san Science lại gửi bảo thảo cho hai nhà khoa học khác để bình duyệt. Hai người này sau khi đọc kỹ bản thảo đã kết luận, "mẫu vật này đã bị buôn lậu khỏi Trung Quốc và được mua lại một cách bất hợp pháp" và hóa thạch đã bị "chỉnh sửa" ở Trung Quốc để "làm tăng giá trị". Science cũng từ chối bản thảo. Nhóm nghiên cứu, đứng đầu là Czerkas, cũng không thông tin gì về hai lần bị từ chối này cho tạp chí National Geographic.

Bất chấp việc nghiên cứu không được bình duyệt, tạp chí National Geographic vẫn xuất bản và giới thiệu hóa thạch đến công chúng tại một buổi họp báo tổ chức vào ngày 15/10/1999. Loài sinh vật này được nhóm nghiên cứu đặt danh pháp khoa học là Archaeoraptor liaoningensis. Christopher P. Sloan, biên tập viên của National Geographic mô tả sinh vật này là mối liên kết còn thiếu giữa khủng long và chim, khiến cả giới cổ sinh vật học chú ý. Đương nhiên, những nhà cổ sinh vật học khác cũng rất quan tâm đến hóa thạch này.

Sau khi ấn bản National Geographic có bài báo về Archaeraptor liaoningensis được phát hành, một chuyên gia về chim tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ là Storrs L. Olson đã công bố một bức thư ngỏ vào ngày 1 tháng Mười một năm 1999, chỉ ra rằng "mẫu vật nói trên được biết là đã nhập lậu vào Mỹ" và phản đối "tín điều đang thịnh hành rằng chim tiến hóa từ khủng long" (mặc dù những hóa thạch sau này đã chứng minh điều đó là đúng). Olson cũng phản đối chuyện Sloan, một biên tập viên, lại giành lấy công việc đặt danh pháp cho một sinh vật mới thay vì các nhà khoa học.

Bản thân nhóm nghiên cứu cũng mâu thuẫn nghiêm trọng về tính nguyên bản của mẫu vật. Xu Xing nhận thấy đuôi của Archaeoraptor rất giống một loài khủng long thuộc nhánh maniraptora mà ông đang nghiên cứu - về sau được đặt tên là Microraptor zhaoianus. Xu Xing quay trở lại Trung Quốc, đến Liêu Ninh và cuối cùng cũng tìm được một hóa thạch tương đối hoàn chỉnh của một loài khủng long nhỏ có đuôi giống hệt cái đuôi trên hóa thạch Archaeoraptor. Xu Xing thông báo qua email cho các đồng tác giả và Sloan, nói rằng hóa thạch Archaeoraptor mà họ có hoàn toàn là đồ giả.

Giấy không còn gói được lửa, những người đứng đầu tạp chí National Geographic sớm biết được việc này. Họ phải đưa ra một thông cáo báo chí nói rằng hóa thạch Archaeoraptor rất có thể là một hóa thạch hỗn hợp và sẽ tiến hành một cuộc điều tra nội bộ để xác định sai phạm. Đến ngày 4 tháng Tư năm 2000, Stephen Czerkas buộc phải thừa nhận sai lầm của mình khi nói trước một nhóm các nhà cổ sinh vật học tại Washington rằng vợ chồng ông đã mắc một sai lầm "ngu ngốc đến tận xương tủy." Currie, Allen và Sloan đều bày tỏ sự hối hận. Tuy vậy, họ không dùng từ "giả" (fake) mà chỉ dùng từ "hỗn hợp" (composite), vốn nhẹ hơn rất nhiều khi nhận lỗi trên tạp chí National Geographic. Czerkas có lẽ là người thiệt hại nặng nhất khi vừa mất tiền, vừa mất danh tiếng. Năm 2015, ông qua đời vì bạo bệnh. 

Còn hóa thạch Archaeoraptor giả (dù sao cũng có một phần là hóa thạch khủng long thật) sau đó được trả về cho Trung Quốc, kết thúc một vụ việc đầy tai tiếng và đáng quên trong lịch sử ngành cổ sinh vật học thế giới.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét