HUYỀN THOẠI CỔ SINH (PHẦN 2): THỢ SĂN HÓA THẠCH HUYỀN THOẠI BARNUM BROWN

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnTrong thời buổi người nhiều việc ít như hiện nay, nếu muốn không bao giờ bị lo mất việc, hãy tham khảo trường hợp của nhà cổ sinh vật học Barnum Brown, người nổi tiếng với việc tìm ra hóa thạch T. rex.

Barnum Brown sinh năm 1873, trùng sinh nhật với nhà sinh vật học Charles Darwin (12/2). Ông chính là nhà cổ sinh vật học kiêm "thợ săn hóa thạch" huyền thoại người Mỹ, người đầu tiên tìm thấy những hóa thạch được xác định là của khủng long bạo chúa Tyrannosaurus rex. Những khám phá của ông đã đi vào lịch sử của ngành cổ sinh vật học và bản thân ông cũng có một cuộc đời "huyền thoại" không kém.

Barnum Brown là người đã tìm ra T. rex. Ảnh: Mental Floss.

Trong công việc, Brown từ khi còn trẻ đã được nhà cổ sinh vật học tiền bối Samuel Wendell Williston đánh giá là "người giỏi nhất trên thực địa mà tôi từng gặp". Brown giàu năng lượng, đầy tính kiên trì, có thể đi bộ gần 50km một ngày mà không thấy mệt. Mọi thói quen của ông đều được thực hiện một cách có phương pháp, khoa học. Giỏi thực địa là vậy, nhưng Brown có lẽ không hợp với sách vở khi phải rất vất vả và mất nhiều thời gian ông mới lấy được bằng thạc sĩ tại Đại học Kansas. Phải nhiều thập niên sau, ông mới được Đại học Lehigh trao bằng "tiến sĩ danh dự". 

Khi trở lại thực địa, Brown vẫn là huyền thoại khó ai sánh bằng trong thời đại của mình. Trên giấy tờ, nơi làm việc chính của Brown là Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sở thích của Brown là "biến mất" khi làm việc. Ông thường xuyên đi thực địa để tìm hóa thạch, thu thập bất cứ thứ gì có giá trị khoa học. Và trong những chuyến đi đó, kể cả những chuyến ra nước ngoài, các đồng nghiệp ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ sẽ chẳng hề nhận được một câu thông báo hay dòng điện tín nào từ ông trong nhiều tháng trời. Chỉ có những chuyến hàng chứa hàng tấn hóa thạch lâu lâu được gửi về. Người ta coi đó là dấu hiệu duy nhất cho thấy ông còn sống. Gia đình và đồng nghiệp lo vậy cũng đúng thôi, vì những chỗ ông dấn thân vào toàn là nơi hoang vu, rừng thiêng nước độc. Đã có lần ông suýt chết vì sốt rét ở Mandalay. 

Người vợ thứ hai của Brown, bà Lilian thường được ông đưa đi cùng trong những chuyến đi này, nhưng sẽ bị ông bỏ lại trong lúc ông đi tìm hóa thạch. Thời gian có thể là vài tuần thậm chí vài tháng, và bà Lilian trong lúc đó phải tự lo một mình ở nơi đất khách quê người. Bà chỉ biết nên đến đâu tiếp theo khi chồng báo cho bà biết địa điểm thực địa kế tiếp của ông. Về sau, bà viết cuốn tự truyện có tựa đề: Tôi đã lấy một con khủng long làm chồng (I Married A Dinosaur).

Tất nhiên, cấp trên ở bảo tàng không thể quở trách hay phiền lòng vì Brown được. Những phát hiện của ông quá tuyệt vời, quá quan trọng. Ngoài T. rex, ông còn phát hiện ra hóa thạch của loài linh trưởng cổ đại Amphipithecus mogaungensis, vượn nhân hình cổ nhất được biết đến trong lịch sử. Và theo thống kê, Brown đã phát hiện hóa thạch của ít nhất 27 loài khủng long.

Barnum Brown đang làm việc trong phòng thí nghiệm với các hóa thạch. Ảnh: Bettman/Corbis.

Lý giải cho sở thích quái dị của Brown, có thể có nhiều nguyên nhân như:

  • Tính chất bí mật của công việc, bởi hóa thạch là một thứ rất thu hút sự chú ý vào thời đó. Thậm chí đã từng xảy ra "chiến tranh" giữa các nhà cổ sinh vật học vì hóa thạch khủng long, gọi là Chiến tranh xương.
  • Có thông tin nói rằng Brown còn kiêm luôn cả việc làm tình báo cho Mỹ ở nước ngoài.
  • Do những chốn ông đi quá hoang vu, vào thời công nghệ viễn thông còn lạc hậu nên khó liên lạc.
  • Do tính cách làm việc hết sức tập trung của Brown.

Brown hết lòng vì công việc tới nỗi, khi bảo tàng thiếu tiền, ông còn tự nghĩ cách để kiếm tiền phục vụ cho việc khai quật. Đó là khi cuộc Đại Suy thoái xảy ra, vậy là Brown cho tổ chức một sô diễn tại Hội chợ Thế giới ở Chicago có tên "Thế giới một triệu năm trước". Trong sô diễn này, Brown không cần quan tâm tới tính chính xác khoa học mà để người tiền sử sánh vai cùng khủng long và thu được thành công vang dội. Vậy là công ty dầu Sinclair nhảy vào tài trợ Brown để ông tiếp tục có kinh phí đi tìm hóa thạch.

Nếu bạn là một người hết lòng vì công việc như vậy, chắc chắn dù bạn có không đến chỗ làm cả năm trời thì cũng chẳng ai dám đuổi việc bạn đâu!

Đăng nhận xét

0 Nhận xét