CÁCH ĐÂY ĐÚNG 122 NĂM, NGƯỜI TA TÌM THẤY NHỮNG HÓA THẠCH ĐẦU TIÊN CỦA BRACHIOSAURUS

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnNgày 4/7/1900 là một ngày đáng nhớ đối với giới cổ sinh vật học Mỹ và thế giới.

Ngày hôm qua, nước Mỹ kỷ niệm 246 năm ngày lập quốc của mình. Trong khi đó, với riêng giới cổ sinh vật học, họ cũng có một cột mốc không thể nào quên vào ngày 4/7, bởi cách đây 122 năm, các nhà cổ sinh vật học Mỹ đã tìm ra những khúc xương hóa thạch đầu tiên của con khủng long sau đó được định danh là Brachiosaurus. Vào thời điểm đầu thế kỷ XX, Brachiosaurus được xác định là khủng long lớn nhất từng được tìm thấy.

Bộ xương phục dựng của Brachiosaurus altithorax đặt tại sân bay quốc tế O'Hare.

Những khúc xương hóa thạch này là phát hiện của nhà cổ sinh vật học Elmer S. Riggs cùng đội ngũ đến từ Bảo tàng Field Columbian (ngày nay là Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Field) ở Chicago.

Ban đầu, dự định của Riggs không phải là đi tìm xương khủng long, mà ông chỉ định tìm hóa thạch của các loài thú có vú thuộc Thế Eocene. Tuy nhiên, người cộng sự yêu thích của ông, một nha sĩ kiêm chủ tịch của Viện Khoa học Tây Colorado tên là Stanton Merill Bradbury đã báo cho ông biết về việc đã có những mảnh xương khủng long hóa thạch được tìm ra gần Grand Junction từ năm 1885. Riggs ban đầu không tin, nhưng cấp trên của ông, người phụ trách bảo tàng Oliver Cummings Farrington thì lại rất háo hức muốn tìm cho bằng được một bộ xương khủng long chân thằn lằn để bổ sung vào bộ sưu tập của bảo tàng. Farrington thuyết phục ban quản lý bảo tàng đầu tư 500 đô-la vào một chuyến thám hiểm để tìm xương khủng long hóa thạch. Cuối cùng, chuyến đi được thông qua.

Ngày 20/6/1900, họ đến được địa điểm dự định khai quật và hạ trại tại một khu nông trại bỏ hoang. Và đến ngày 4/7, trong một chuyến trinh sát bằng ngựa, trợ lý của Riggs là Harold William Menke đã tìm được xương chi trước của khủng long Brachiosaurus, cá thể về sau được định danh là FMNH P 25107. Riggs thốt lên: "Lớn nhất từ trước đến giờ đấy!"

Bức ảnh nổi tiếng "The biggest thing yet", trong đó Riggs nằm cạnh khúc xương chi trước của Brachiosaurus altithorax.

Khi mới tìm thấy, Riggs tưởng nhầm khúc xương chi trước này là xương đùi, vì nó quá to so với những gì ông biết. Mọi thứ chỉ sáng tỏ khi chính phần xương đùi của cùng một bộ xương được phát hiện sau đó.

Cuộc khai quật đã thu hút một lượng lớn người tò mò, khiến công việc bị trì trệ và buộc Menke phải tổ chức canh gác để bảo vệ những khúc xương khỏi bị mất trộm. Đến ngày 17/8, khúc xương cuối cùng đã được bọc trong thạch cao. Đoàn thám hiểm quay trở lại Grand Junction và thuê một đoàn xe để vận chuyển toàn bộ số hóa thạch đến ga xe lửa. Họ phải tốn thêm một tuần nữa để đóng toàn bộ các mẫu vật vào ba mươi tám chiếc thùng, với trọng lượng lên đến 5.700kg. Đến ngày 15/9, Riggs mới về được Chicago, và may mắn là công ty xe lửa đã để toàn đoàn cùng số hàng hóa đặc biệt của họ được đi miễn phí, như một cách để PR cho công ty.

Sau khi hóa thạch được đưa về bảo tàng và nghiên cứu kỹ càng, Riggs quyết định đặt tên cho loài khủng long mới này là Brachiosaurus altithorax. Brachiosaurus được ghép từ hai từ trong tiếng Hy Lạp là "brachion", có nghĩa là tay và "saurus", có nghĩa là thằn lằn. Sở dĩ ông đặt tên như vậy là vì độ dài chi trước của mẫu vật này không bình thường đối với một loài khủng long chân thằn lằn. Trong các báo cáo của mình, Riggs cũng nhấn mạnh đây là "loài khủng long lớn nhất từng được biết đến".

Riggs và cộng sự J. B. Abbott làm việc với các khúc xương của mẫu định danh.

Do chỉ thu được 20% số xương hóa thạch so với một bộ xương hoàn chỉnh, người ta không thể phục dưng đầy đủ bộ xương của Brachiosaurus altithorax. Phải đến năm 1993, người ta mới phục dựng được bộ xương hoàn chỉnh của Brachiosaurus altithorax dựa trên bộ xương của một loài cùng họ là Brachiosaurus brancai (hiện giờ đã được định danh lại là Giraffatitan) ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Berlin. Bộ xương phục dựng này bắt đầu được đặt tại Sảnh Stanley Field, sảnh trưng bày chính của Bảo tàng Field. Còn những khúc xương thật được đặt trong hai hộp kính lớn ở hai đầu của bộ xương phục dựng.

Đến năm 1999, bộ xương phục dựng của Brachiosaurus altithorax được chuyển đi trưng bày ở sân bay quốc tế O'Hare, nhường chỗ cho bộ xương Tyrannosaurus tên Sue mà bảo tàng vừa mới mua được. Những khúc xương thật vẫn được lưu giữ tại bảo tàng cho đến ngày nay.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét