KHỦNG LONG CHÂU Á (PHẦN 3): MÔNG CỔ

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnTin tôi đi, những loài khủng long châu Á nổi tiếng trên toàn thế giới nhiều hơn bạn tưởng. Có những cái tên mà bạn biết rất nhiều qua phim ảnh, trò chơi và truyện tranh, nhưng bạn lại không hề biết, chúng đến từ châu Á, và thậm chí là đến từ một quốc gia tưởng chừng chẳng có gì ngoài đời sống du mục và một lịch sử chinh phục khét tiếng dưới bàn tay của Thành Cát Tư Hãn. Đó chính là Mông Cổ.

>> Xem thêm: Toàn bộ mini series KHỦNG LONG CHÂU Á

MÔNG CỔ, VÙNG ĐẤT CỦA KHỦNG LONG

Trong hai bài viết trước của series Khủng long châu Á, chúng ta đã ghé thăm và điểm qua lịch sử cũng như một số loài khủng long tiêu biểu ở Đông Nam Á và Nhật Bản. Trong bài viết ngày hôm nay, hãy tiếp tục cùng Dinoman và Mê Khủng Long chu du qua lục địa châu Á để đến với Mông Cổ, quốc gia mà bạn có thể biết sơ sơ qua lịch sử nhưng lại có một kho tàng khủng long đồ sộ đủ để khiến bạn kinh ngạc. 

Phục dựng cảnh Protoceratops tử chiến với Velociraptor. Nguồn: RavePaleoArt / Deviant Art.

Nằm giữa hai quốc gia hùng mạnh là Nga và Trung Quốc, Mông Cổ ngày nay dường như chỉ còn là cái bóng của chính cái tên này trong quá khứ. Đế quốc Mông - Nguyên từng gieo rắc nỗi kinh hoàng trên khắp thế giới với những cuộc chinh phục của Thành Cát Tư Hãn cùng các con cháu của ông ta trong một giai đoạn kéo dài khoảng ba thế kỷ. Thậm chí, vùng đất Mông Cổ mà chúng ta biết ngày nay chỉ là một phần vùng đất gốc của Mông Cổ trong quá khứ, phần còn lại chính là vùng Nội Mông của Trung Quốc ngày nay.

Tuy nhiên, bài viết này không bàn về lịch sử của con người. Hãy quay ngược thời gian thêm nhiều chục triệu năm nữa để trở lại thời đại khủng long, và vùng đất Mông Cổ mà chúng ta biết ngày nay là một thiên đường của nhiều loài thực vật và động vật thời tiền sử, trong đó có khủng long. Nơi ngày nay là sa mạc Gobi khô cằn, hoang vu đã từng phủ đầy cây cối, sông ngòi và cả những sinh vật hoặc khổng lồ, hoặc có thể khiêm tốn về kích thước nhưng nhanh nhẹn, thông minh và là những mắt xích quan trọng của hệ sinh thái.

Sau nhiều triệu năm kể từ sự tuyệt chủng của các loài khủng long phi điểu, tất cả những cảnh quan sinh động đó chỉ còn là dĩ vãng, để lại một vùng đất khô cằn và chết chóc mang tên sa mạc Gobi. Người ta hầu như không biết gì về sự tồn tại của một quá khứ huy hoàng của những loài khủng long vĩ đại trên vùng đất hoang vu này, cho đến đầu thế kỷ XX. Đó là thời điểm mà các nhà khoa học, cổ sinh vật học, cổ nhân học bắt đầu để ý tới các vùng đất Trung Á trong những nỗ lực tìm hiểu về sự tiến hóa của sự sống cũng như con người. 

Henry Fairfield Osborn, nhà cổ sinh vật học lừng danh người Mỹ đề xuất giả thuyết cho rằng, châu Á chính là cái nôi của loài người. Vì vậy ông đã kêu gọi tổ chức các cuộc thám hiểm đến châu Á, đặc biệt là vùng Trung Á trong suốt thập niên 1920 nhằm tìm kiếm hóa thạch cổ nhất của tổ tiên loài người. Một trong những nhân vật được giao trọng trách lãnh đạo các đoàn thám hiểm là Roy Chapman Andrews, một nhà thám hiểm tài ba và dũng cảm, người mà theo một số lời đồn là nguyên mẫu của nhân vật Indiana Jones trong phim Hollywood.

Roy Chapman Andrews rong ruổi khắp Mông Cổ trên lưng chú ngựa Kublai Khan.

Roy đã đặt chân đến Mông Cổ sau một chuyến hành trình khó khăn qua đất nước Trung Quốc đang bất ổn khi đó. Roy ngay lập tức bắt tay vào việc, dấn sâu vào sa mạc Gobi để tìm kiếm những dấu vết của tổ tiên loài người. Tuy nhiên, nếu tính theo nhiệm vụ ban đầu, ông hoàn toàn thất bại khi không thể tìm thấy những gì mà ông và Henry Fairfield Osborn mong muốn. Nhưng bù lại, ông cùng đoàn của mình đã phát hiện nhiều xương hóa thạch của động vật có vú và đáng chú ý hơn cả, hóa thạch của khủng long. Trong số những hóa thạch khủng long mà Roy tìm thấy có ổ trứng khủng long đầu tiên trong lịch sử bên cạnh hóa thạch của những chi khủng long như Protoceratops, Oviraptor, Velociraptor hay Saurornithoides

Chuyến đi của Roy Chapman Andrews đã mở ra nhiều gợi ý cho các nhà cổ sinh vật học trên khắp thế giới về tiềm năng cổ sinh vật học của vùng đất Mông Cổ. Kể từ đó thì các nhà cổ sinh vật học đến từ nhiều nước như Liên Xô, Ba Lan, Nhật Bản và Trung Quốc đã có nhiều chuyến thám hiểm và khảo sát khác ở vủng sa mạc Gobi để tìm hóa thạch khủng long. Những chi và loài khủng long Mông Cổ mới liên tục được xác định từ những chuyến đi như vậy, chẳng hạn như Talarurus (1933), Therizinosaurus (1954), Tarbosaurus (1955), Deinocheirus (1970), Nemegtosaurus (1971), Gallimimus (1972)... Điều đó đã khiến cho Mông Cổ trở thành một trong những quốc gia có nhiều chi và loài khủng long được công bố nhất trên thế giới, tính đến thời điểm hiện tại đã là gần 100 chi khác nhau, và số loài đương nhiên sẽ còn nhiều hơn bởi một chi có thể có nhiều loài. Tổ chức UNESCO cũng ghi nhận, sa mạc Gobi ở Mông Cổ chính là khu vực có trữ lượng hóa thạch khủng long lớn nhất thế giới.

Hóa thạch mẫu định danh của Oviraptor, một trong các phát hiện của Roy Chapman Andrews.

NỖ LỰC VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ

Với điều kiện địa chất ưu đãi và sự hỗ trợ từ các tổ chức và chuyên gia quốc tế, không ngạc nhiên khi Mông Cổ, dù là một đất nước còn được đánh giá là nghèo nhất châu Á nhưng sở hữu một nền cổ sinh vật học rất phát triển. Nhà cổ sinh vật học nổi tiếng nhất của đất nước này có lẽ là Rinchen Barsbold (sinh năm 1935). Barsbold là người đã giúp thúc đẩy việc làm rõ quá trình tiến hóa từ khủng long đến chim và được khoa học thế giới đánh giá cao về tầm ảnh hưởng trong ngành cổ sinh vật học. Ông là người đã nghiên cứu và đặt tên cho nhiều loài khủng long Mông Cổ, đồng thời chính ông cũng được ghi công khi được lấy tên đặt cho một chi khủng long, đó là chi Barsboldia.

Rinchen Barsbold, nhà cổ sinh vật học lừng danh người Mông Cổ.

Cũng như chính phủ của các quốc gia Nhật Bản và Thái Lan, chính phủ Mông Cổ cũng có những động thái hết sức quan trọng để tận dụng lợi thế của quốc gia về hóa thạch khủng long, chẳng hạn như thành lập Bảo tàng Khủng long Trung ương vào năm 1974, chuyên bảo tồn và trưng bày hóa thạch khủng long. Hồi cuối tháng Bảy năm 2023, nước này cũng đã tổ chức festival khủng long đầu tiên trong lịch sử, với hy vọng biến sự kiện này thành một lễ hội thường niên nhằm thu hút khách du lịch. Trong suốt liên hoan, du khách đã được chiêm ngưỡng các bộ sưu tập hóa thạch, các màn trình diễn ánh sáng laser, hình chiếu ba chiều và tham gia một chuyến đi đặc biệt cùng các thợ săn hóa thạch. Mông Cổ không giấu diếm tham vọng biến "du lịch khủng long" thành một mũi nhọn trong ngành du lịch của nước này. 

Thế nhưng, cũng có một thực trạng nan giải mà chính phủ Mông Cổ vẫn đang đau đầu chưa thể tìm ra cách giải quyết. Đó chính là nạn buôn lậu hóa thạch. Sự rộng lớn của sa mạc Gobi cùng những điểm yếu của các lực lượng chức năng đã biến sa mạc Gobi thành một mỏ vàng đối với những kẻ săn trộm và buôn lậu hóa thạch. Nhiều hóa thạch quan trọng đã bị đào trộm và buôn ra nước ngoài, gây nhiều khó khăn cho các nhà cổ sinh vật học trong việc nghiên cứu chúng. Một trong những trường hợp tiêu biểu là Deinocheirus. Cái đầu của con khủng long này từng bị săn trộm và đưa ra nước ngoài suốt hàng chục năm, khiến các nhà khoa học không thể phục dựng chính xác ngoại hình của con khủng long cho đến khi họ tìm lại được cái đầu vào năm 2011 nhờ sự giúp đỡ của một nhà sưu tầm người Pháp. Hay trong một vụ việc khác, một chiếc hộp sọ Tarbosaurus được đào lên từ Mông Cổ đã đến Mỹ để trở thành vật đấu giá, rơi vào tay ngôi sao điện ảnh Nicolas Cage, trước khi được chính phủ Mỹ thu hồi và trao trả lại cho Mông Cổ. Nhiều mẫu vật khác có thể không được may mắn như vậy và vẫn đang nằm trong tay những kẻ buôn lậu hoặc nhà sưu tập tư nhân, khoa học hoàn toàn không thể tiếp cận. 

Những hóa thạch khủng long quý giá của Mông Cổ đối mặt với nạn săn trộm và buôn lậu nghiêm trọng.

Có những sự việc mà đến bây giờ vẫn khiến các nhà cổ sinh vật học tiếc đứt ruột, đứt gan, chẳng hạn như năm 1991, trong một chuyến thám hiểm do đoàn thám hiểm liên hợp gồm các nhà khoa học đến từ ba nước Ý - Pháp - Mông Cổ diễn ra tại khu vực Nemegt thuộc Mông Cổ, họ đã tìm ra bộ xương không nguyên vẹn của một cá thể thuộc chi khủng long Tarbosaurus. Đoàn thám hiểm đương nhiên là rất vui mừng trước phát hiện này. Bộ xương không nguyên vẹn bao gồm xương chậu, xương đuôi và xương hai chi sau và đặc biệt hơn, họ còn tìm thấy dấu vết của da ở khu vực lưng của bộ xương! Các nhà khoa học đã chụp lại hình ảnh của bộ xương vừa được khám phá rồi sau này công bố trong một cuốn sách tiếng Pháp, có tựa đề dịch ra là "Khủng long và động vật có vú ở sa mạc Gobi", xuất bản năm 1992. Trong đó có đoạn viết mô tả vị trí, hình dạng và tình trạng của bộ xương hóa thạch. Tuy nhiên, có lẽ vì không đủ nhân lực, đoàn thám hiểm đã quyết định không thu thập hóa thạch này để đem về. Và đó là điều khiến họ phải hối hận suốt nhiều năm về sau. Nên nhớ, dấu vết của da trên hóa thạch khủng long là một điều rất hiếm gặp, chưa kể đó lại là hóa thạch của một loài trong liên họ bạo long! Khi quay trở lại sau đó một vài năm, các nhà khoa học phát hiện bộ xương đã không cánh mà bay. Họ cho rằng, bộ xương đã bị những kẻ săn trộm lấy đi, hoặc bị thời tiết phá hủy mà không để lại dấu vết gì.

KHỦNG LONG MÔNG CỔ ĐƯỢC YÊU THÍCH TRÊN TOÀN THẾ GIỚI

Dù sao thì với trữ lượng hóa thạch phong phú của mình, Mông Cổ vẫn cung cấp cho thế giới nhiều mẫu vật có độ hoàn chỉnh cao và tuyệt đẹp, chẳng hạn như hóa thạch khủng long tử chiến giữa một con ProtoceratopsVelociraptor, hay hóa thạch mẹ khủng long Big Mama, trong đó một con Citipati đang dang tay che chở ổ trứng của mình. Những phát hiện đáng chú ý gần đây có Natovenator, chi khủng long có khả năng bơi lặn giỏi nhất được xác định từ trước đến giờ với cấu tạo xương sườn giống chim cánh cụt, hay hóa thạch xương thanh quản khủng long đầu tiên ở loài Pinacosaurus grangeri.

Therizinosaurus là một loài khủng long Mông Cổ được đưa lên phim Jurassic World Dominion và gây ấn tượng mạnh.

Thú vị hơn, có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi biết thế giới yêu thích khủng long Mông Cổ như thế nào. Có những chi và loài khủng long mà khi mới biết đến, tôi và có lẽ là nhiều bạn theo dõi Mê Khủng Long sẽ nghĩ rằng đó là khủng long Mỹ, nhưng thực chất, chúng có xuất xứ từ Mông Cổ. Nguyên nhân đơn giản là vì các nhà làm phim Mỹ rất ưu ái các loài khủng long Mông Cổ và thường xuyên đưa chúng vào các tác phẩm của mình. Quen thuộc nhất chính là Velociraptor, chi khủng long đã quá nổi tiếng qua các phần phim Jurassic Park Jurassic World. Ngoài Velociraptor thì trong thương hiệu Jurassic World còn có sự góp mặt của Microceratus, Oviraptor, Gallimimus, Therizinosaurus, Tarbosaurus... Còn trong loạt phim tài liệu Prehistoric Planet gần đây, chúng ta được nhìn thấy những hình ảnh sống động của Tarbosaurus, Deinocheirus, Mononykus, Nemegtosaurus, Tarchia, Therizinosaurus... Nhờ đó, tên tuổi của những loài khủng long Mông Cổ càng được lan tỏa xa hơn, được biết đến nhiều hơn.

Hy vọng rằng trong tương lai, các nhà cổ sinh vật học sẽ tiếp tục có thêm nhiều phát hiện mới tại Mông Cổ, đồng thời chính phủ Mông Cổ sẽ nhanh chóng giải quyết được nạn buôn lậu hóa thạch để tránh những mất mát to lớn cho ngành cổ sinh nước này nói riêng và thế giới nói chung. Bản thân tôi cũng rất mong có một ngày được đến đất nước Mông Cổ để nhìn ngắm tận mắt những loài khủng long nổi tiếng tại đây, đặc biệt là Tarbosaurus, chi khủng long được mệnh danh là bạo chúa châu Á.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét