KHỦNG LONG CHÂU Á (PHẦN 5): TRUNG QUỐC

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnTrong ba phần gần đây của series Khủng long Châu Á, chúng ta đã đến với những đất nước xa xôi là Nhật Bản, Mông Cổ và Ấn Độ để tìm hiểu về lịch sử nghiên cứu khủng long cũng như các loài khủng long tiêu biểu của các nước này. Vậy còn người láng giềng phương Bắc của chúng ta, Trung Quốc, thì sao? 


KHỦNG LONG ĐẦU TIÊN Ở TRUNG QUỐC

Trung Quốc, một quốc gia rộng lớn và trù phú. Người phương Tây gọi đất nước này bằng cái tên xứ sở của rồng và những hoàng đế. Rồng, hay trong tiếng Trung gọi là long, được xem là biểu tượng của hoàng gia, của quyền lực nhưng cũng là đại diện cho khát vọng mưa thuận gió hòa, vận vật sinh sôi.

Không ai biết chắc, hình tượng rồng đã khởi đầu như thế nào. Một số giả thuyết cho rằng, người Trung Quốc cổ đại đã đào được xương của những sinh vật khổng lồ thời cổ đại, từ đó tưởng tượng ra đó là di cốt của những sinh vật thần thoại, chẳng hạn như rồng hay kỳ lân. Trong số những di cốt, hay hóa thạch mà chúng ta biết ngày nay, rất có thể đã có xương khủng long. Tuy nhiên, giả thuyết này gần như không thể kiểm chứng. Ngày nay, người Trung Quốc vẫn sử dụng long cốt như một vị thuốc trong y học cổ truyền, thế nhưng khi xét nghiệm, long cốt này thực chất chỉ là xương hóa thạch của động vật có vú, không phải của khủng long như nhiều người vẫn tưởng.

Hình tượng rồng ở Trung Quốc đã có thể khởi đầu từ hóa thạch khủng long, nhưng không ai biết chắc.

Lần đầu tiên hóa thạch khủng long chính thức được ghi nhận tìm thấy ở Trung Quốc là vào đầu thế kỷ XX, hay cụ thể hơn là vào năm 1902. Một sĩ quan của quân đội Nga Sa hoàng trong lúc thám hiểm vùng biên giới giữa Nga và Trung Quốc đã phát hiện hóa thạch khủng long ở địa điểm ngày nay là huyện Gia Ấm, tỉnh Hắc Long Giang thuộc vùng Đông Bắc Trung Quốc. Những hóa thạch này hóa ra là bộ xương không hoàn chỉnh của một loài khủng long mỏ vịt, về sau được nhà nghiên cứu người Nga Anatoliy Riabinin đặt danh pháp là Mandschurosaurus amurensis, tức "thằn lằn Mãn Châu sông Amur" vào năm 1925. 

Năm 1923, nhà địa chất Đàm Tích Trù trở thành người Trung Quốc đầu tiên tham gia vào một phát hiện khủng long, khi cùng với nhà cổ sinh vật học người Áo Otto Zdansky tìm thấy hóa thạch của một loài khủng long giống khủng long mỏ vịt, và do đó ông cũng trở thành người Trung Quốc đầu tiên được đặt tên cho một chi khủng long, khi nhà cổ sinh vật học Thủy Điển Carl Wiman dựa trên những hóa thạch mà Đàm và Zdansky tìm thấy để đặt ra một chi khủng long mới, đó là Tanius, với "Tan" là dạng Latin của Đàm. Tên loài "sinensis" là để chỉ đất nước Trung Quốc, nơi tìm thấy hóa thạch.

Mandschurosaurus amurensis, loài khủng long đầu tiên được xác định trên đất Trung Quốc.

ĐẤT NƯỚC CỦA KHỦNG LONG

Những phát hiện sớm về hóa thạch khủng long của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của các nhà cổ sinh vật học phương Tây, và vào khoảng thập niên 30 của thế kỷ trước, nhiều đoàn thám hiểm đã thu thập được hóa thạch khủng long ở Tân Cương, Nội Mông, Ninh Hạ và nhiều nơi khác, với những thành quả đáng kể. Những năm từ 1933 đến 1949 là giai đoạn đặt nền móng cho nghiên cứu khủng long ở Trung Quốc, với vai trò ngày một lớn hơn của các nhà cổ sinh Trung Quốc như Dương Chung Kiện, Biện Mỹ Niên bên cạnh các chuyên gia nước ngoài như Charles Gimore. Những cái tên khủng long mới xuất hiện với tần suất ngày càng dày đặc, chẳng hạn như Tienshanosaurus, Omeisaurus, Lufengosaurus, Sinosaurus... 

Omeisaurus, chi khủng long cổ dài thuộc họ Mamenchisauridae, với cái tên có nghĩa là "thằn lằn Nga My", dựa theo tên núi Nga My nổi tiếng trong phim kiếm hiệp.

Sau khi nội chiến Trung Quốc kết thúc, phần lớn lãnh thổ Trung Quốc thống nhất dưới một chế độ với sự thành lập của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào tháng 10/1949, nghiên cứu khủng long của Trung Quốc càng được tiến hành mạnh mẽ hơn và thu được một số thành tựu nhất định, nhưng những thành tựu này bị hạn chế phần nào bởi chính sách đóng cửa của Trung Quốc cũng như những biến động của nền chính trị nước này. Chỉ sau khi tiến hành cải cách, thể hiện chính sách cởi mở hơn với phương Tây, nhận được sự hợp tác của các chuyên gia nước ngoài, ngành cổ sinh nói chung và chuyên ngành nghiên cứu khủng long ở Trung Quốc nói riêng mới nhận được một cú hích lớn, được các chuyên gia trong ngành gọi là "cuộc bùng nổ khủng long của Trung Quốc". Cả trăm loài mới được khám phá, với số lượng hóa thạch phong phú, tình trạng bảo quản tốt đến mức không ngờ.

Không chỉ là số lượng, chất lượng và tầm quan trọng của các hóa thạch ở Trung Quốc cũng khiến các nhà nghiên cứu quốc tế phải kinh ngạc. Có thể nói, nếu ai đó không tin chim chính là khủng long, hay chim tiến hóa từ khủng long cổ đại, hãy đưa anh ta đến Trung Quốc để tận mắt nhìn thấy bộ sưu tập hóa thạch của nước này, trong đó chứa đựng những bằng chứng rõ nét nhất về quá trình chuyển tiếp từ khủng long phi điểu đến chim. 

Hóa thạch Sinosauropteryx prima, hóa thạch khủng long phi điểu có dấu vết của lông vũ đầu tiên được phát hiện trên thế giới.

Giữa thập niên 1990, một nông dân Trung Quốc đã phát hiện ra hóa thạch khủng long có dấu vết của lông vũ đầu tiên trên thế giới, thuộc loài khủng long về sau được đặt danh pháp là Sinosauropteryx prima. Phát hiện gây chấn động thế giới này đã khởi đầu cho một cơn sốt hóa thạch khủng long ở Trung Quốc, đặc biệt là tại tỉnh Liêu Ninh. Hàng nghìn mẫu vật khủng long giống chim và có lông vũ khác đã được phát hiện, trong đó các nhà khoa học đã xác định đến hơn 40 loài khác nhau. Lông vũ không chỉ xuất hiện ở các loài khủng long nhỏ, mà còn hiện diện trên những loài khủng long lớn như Yutyrannus huali, một bằng chứng khác cho thấy lông vũ có thể đã từng hiện diện trên tất cả các loài khủng long, như một đặc điểm chung của nhóm động vật này.

Tuy nhiên, cơn sốt khủng long cũng gây ra những vấn dề lớn cho ngành cổ sinh Trung Quốc. Trong một giai đoạn mà việc quản lý hóa thạch còn tương đối lỏng lẻo vào thập niên 1990, nhiều nông dân nghèo đã bắt đầu xem việc đào hóa thạch là một công việc tạm thời giúp họ giải quyết vấn đề cơm ăn áo mặc. Các hóa thạch chất lượng cao có thể được bán với giá lên đến hàng chục nghìn đô-la, một số tiền đáng giá cả gia tài khi so sánh với mức thu nhập hằng tháng khi đó ở xứ sở tỷ dân. Đa phần các hóa thạch khủng long được trưng bày ở các bảo tàng Trung Quốc là do lực lượng này tìm thấy.

Khai quật trái phép và buôn lậu hóa thạch là một vấn nạn ở Trung Quốc.

Nhưng do không được đào tạo chính quy, nên số hóa thạch do lực lượng nông dân tìm thấy phần nhiều bị hư hỏng. Họ cũng không có đủ trình độ để xác định những mảnh nào là của cùng một hóa thạch. Vì biết hóa thạch nguyên vẹn có giá hơn nhiều, nên họ đã tự mình ghép những mảnh vỡ lại với nhau mà không quan tâm đến tính chính xác của chúng. Và vì có những người rất giỏi trong việc ngụy tạo hóa thạch, nên nhiều khi những tay buôn hóa thạch cho đến những nhà cổ sinh vật học chuyên nghiệp không phát hiện ra điểm đáng ngờ trên các mẫu vật mà họ mua lại từ những anh nông dân này. 

Chấn động nhất chính là vụ tai tiếng Archaeoraptor, trong đó một đội ngũ gồm chủ bảo tàng, chuyên gia cổ sinh và biên tập viên của National Geographic bị một anh nông dân Trung Quốc đánh lừa bằng một hóa thạch tổng hợp được ghép lại từ nhiều hóa thạch khác nhau. Ban đầu, những người liên quan dù nhận thức khá rõ nguy cơ họ đã mua phải hóa thạch giả, vẫn cố bưng bít và đặt danh pháp khoa học cho hóa thạch này là Archaeoraptor liaoningensis, đồng thời tuyên bố nó là một mắt xích quan trọng của quá trình tiến hóa từ khủng long đến chim. Nhưng khi được đánh giá bởi các chuyên gia khác, họ nhanh chóng phát hiện những điểm bất thường và những phân tích sâu hơn cho thấy, Archaeoraptor thực chất được ghép lại từ ba mẫu vật khác loài. Nghiên cứu bị hủy bỏ, danh pháp Archaeoraptor vô hiệu, mẫu vật cũng được trao trả lại cho Trung Quốc sau khi họ xác định nó đã bị buôn lậu bất hợp pháp sang Mỹ.

Hóa thạch Archaeoraptor, vụ lừa thế kỷ.

Vụ tai tiếng khiến cho các hóa thạch cũng như các danh pháp khủng long tại Trung Quốc hứng chịu sự nghi ngờ từ cộng đồng khoa học quốc tế, thậm chí một số người còn nghĩ đến những điều tương tự với cú lừa hóa thạch Hi Mã Lạp Sơn của nhà cổ sinh Ấn Độ tai tiếng Vishwa Jit Gupta diễn ra suốt hai thập niên từ 1960 đến 1980.

Tuy nhiên, nỗ lực của các nhà cổ sinh Trung Quốc trong những năm tiếp theo đã giúp ngành cổ sinh Trung Quốc giành được uy tín trong mắt cộng đồng khoa học quốc tế. Nhiều tên tuổi lớn trong ngành cổ sinh xuất hiện, chẳng hạn như Đổng Chi Minh, Trương Di Mạn, Triệu Hy Tấn, hay Từ Tinh, người đặt danh pháp cho nhiều loài khủng long nhất thế giới. Trung tâm nghiên cứu quan trọng nhất về khủng long ở Trung Quốc là Viện Cổ sinh vật học Động vật có xương sống và Cổ nhân học, viết tắt là IVPP, nơi công tác của nhiều nhà cổ sinh vật học nổi tiếng nhất nước này.

BỘ SƯU TẬP ĐÁNG MƠ ƯỚC

Ngày nay, bộ sưu tập hóa thạch khủng long của Trung Quốc tiếp tục là nỗi thèm khát và ước mơ của các nhà cổ sinh vật học trên toàn thế giới. Nhiều mẫu vật có giá trị và độ nguyên vẹn cực kỳ cao, từ phôi khủng long còn trong trứng được bảo quản hoàn hảo nhất thế giới như Anh Lương bảo bảo, đôi cánh kỳ lạ Yi qi, hóa thạch khủng long có lông vũ đầu tiên Sinosauropteryx, tổ hợp 25 con khủng long Psittacosaurus che chở lẫn nhau trước thảm họa, vân vân và mây mây. Đó là còn chưa kể những mẫu vật đã không may bị buôn lậu ra nước ngoài mà cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa thể đòi về được, chẳng hạn như mẫu vật bộ da giác long két Psittacosaurus nguyên vẹn đang được lưu giữ tại Đức. Khủng long Trung Quốc cũng nổi tiếng với những giống loài đặc trưng, bên cạnh khủng long có lông vũ giống chim, chúng ta còn có nhóm khủng long sauropod cổ siêu dài thuộc họ Mamenchisauridae, với đại diện tiêu biểu là Mamenchisaurus sinocanadorum với cái cổ dài đến 15m; họ khủng long có đôi cánh màng kỳ lạ Scansoriopterygidae; khủng long Oviraptorosauria; khủng long Therizinosauria…

Bảo tàng Khủng long Tự Cống là một trong những bảo tàng có bộ sưu tập hóa thạch khủng long đồ sộ nhất thế giới.

Khủng long không chỉ dành cho khoa học. Người Trung Quốc đã xây dựng rất nhiều Bảo tàng cũng như các công viên chủ đề khủng long trên khắp đất nước để thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu cũng như giải trí bằng khủng long của người dân. Lớn nhất có lẽ là Bảo tàng Khủng long Tự Cống ở Tứ Xuyên, nơi có bộ sưu tập hóa thạch khủng long lớn nhất thế giới. Một địa điểm đáng chú ý khác là Công viên Khủng long Thường Châu ở Tỉnh Giang Tô, được mệnh danh là Jurassic Park của châu Á, nơi bạn không chỉ có thể ngắm nhìn những bộ xương khủng long nguyên vẹn tuyệt đẹp mà còn trải nghiệm vô số dịch vụ giải trí liên quan đến khủng long. 

Và biết đâu, với bộ sưu tập khủng long đồ sộ của mình, trong tương lai Trung Quốc hoàn toàn có thể tạo nên một phiên bản Jurassic Park của mình. Nếu các bạn yêu thích khủng long có dịp du lịch đến Trung Quốc, đừng bỏ qua cơ hội tham quan những bảo tàng khủng long tại đây nhé! Ngoài Bảo tàng Khủng long Tự Cống thì còn có Bảo tàng Tự nhiên Sơn Đông Thiên Vũ, Bảo tàng Cổ sinh vật học Liêu Ninh, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Bắc Kinh hay Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của Công ty Đá Anh Lương.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét