KHỦNG LONG CHÂU Á (PHẦN 4): ẤN ĐỘ

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnKhủng long Ấn Độ có gì độc lạ so với phần còn lại của châu Á? Tại sao lại có sự khác biệt này?

>> Xem thêm: Toàn bộ mini series KHỦNG LONG CHÂU Á

Phục dựng ngoại hình của Rajasaurus, một chi khủng long của Ấn Độ.

MỘT ẤN ĐỘ TỪNG KHÔNG THUỘC VỀ CHÂU Á

300 triệu năm trước.

Hầu như toàn bộ các lục địa mà chúng ta biết ngày nay, châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Úc, châu Nam cực, tất cả đều nằm trong một lục địa duy nhất. Các nhà khoa học gọi lục địa khổng lồ ấy là Pangaea, có nghĩa là "toàn bộ đất đai", hay mỹ miều hơn, Toàn lục địa.

Đến khoảng 200 triệu năm trước, Kỷ Tam Điệp.

Lúc này những cuộc chia ly của đại gia đình Pangaea bắt đầu diễn ra. Về cơ bản, Toàn lục địa tách thành hai khối lục địa nhỏ hơn là Laurasia ở phía Bắc gồm Bắc Mỹ, châu Âu và phần lớn châu Á ngày nay trừ Ấn Độ và Ả Rập. Ở phía Nam là Gondwana, bao gồm Nam Mỹ, châu Phi, Madagascar, Ấn Độ, Ả Rập, Úc và Nam cực. 

Sau đó là những cuộc chia tách nhỏ hơn, trong đó Ấn Độ và Madagascar tách khỏi Gondwana vào khoảng 180 triệu năm trước, để rồi đến 90 triệu năm trước, hai vùng đất này lại chia tay nhau. Ấn Độ trôi dần về phía lục địa Á Âu còn Madagascar vẫn đứng trơ trọi một mình suốt hàng  chục triệu năm cho đến tận ngày nay.

Sự dịch chuyển của các lục địa trên Trái đất theo thời gian.

Do lịch sử như thế, các loài khủng long ở Ấn Độ có những nét độc đáo và riêng biệt không thể chứng kiến ở các loài khủng long châu Á khác, nhưng lại có mối liên hệ gần gũi với khủng long ở Madagascar, châu Phi và Nam Mỹ, chẳng hạn như họ khủng long Abelisauridae hay Dicraeosauridae, một bằng chứng về sự kết nối giữa các vùng đất này trong quá khứ.

LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU KHỦNG LONG Ở ẤN ĐỘ

Lịch sử nghiên cứu khủng long ở Ấn Độ cũng bắt đầu rất sớm, một phần là do người Anh đã bắt đầu kiểm soát các vùng lãnh thổ của Ân Độ cũng như biến chúng thành thuộc địa kể từ cuối thế kỷ XVIII, mà khi đó người Anh chính là những nhà tiên phong của ngành cổ sinh vật học. Chỉ bốn năm sau khi loài khủng long đầu tiên được định danh (Megalosaurus bucklandi), tức năm 1828, tại Ấn Độ, viên đại úy William Henry Sleeman đang làm việc cho đội quân viễn chinh của Công ty Đông Ấn Hà Lan đã tình cờ phát hiện một đốt sống khủng long trong lúc đang đi tìm gỗ hóa thạch, tại một ngọn đồi tên là Bara Simla, thành phố Jabalpur. 

Không chắc chắn lắm về bản chất của những hóa thạch này, Sleeman gửi chúng qua tay nhiều nhà nghiên cứu khác, cả nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp và cuối cùng, chúng được xác định là xương hóa thạch của bò sát. Những cũng phải 49 năm sau, vào năm 1877, nhà tự nhiên học kiêm địa chất học Richard Lydekker mới chính thức xác nhận đây là hóa thạch xương khủng long, đồng thời thành lập một danh pháp mới cho những mẫu vật này, đó chính là Titanosaurus indicus, loài khủng long đầu tiên được xác định tại Ấn Độ.

Những hóa thạch đốt sống được gán cho danh pháp Titanosaurus indicus.

Trong thập niên 1860 và 1870, một số hóa thạch khác cũng được phát hiện và tiếp tục được Lydekker coi là loài thứ hai thuộc chi Titanosaurus, được ông dặt danh pháp Titanosaurus blanfordi vào năm 1879. 

Bước sang thế kỷ XX, các nhà cổ sinh vật học nước ngoài như Friedrich von Huene và Charles Alfred Matley là những người có công lớn nhất trong việc nghiên cứu khủng long ở Ấn Độ. Hầu hết các chi và loài khủng long Ấn Độ được phát hiện và đặt danh pháp trong nửa đầu thế kỷ XX đều có sự đóng góp của hai nhà cổ sinh vật học này. Tuy nhiên, có một điều khá đáng tiếc là do những biến động của lịch sử, sự lạc hậu của quá trình khai quật cũng như công tác bảo quản, giữ gìn, nhiều hóa thạch khủng long đầu tiên của Ấn Độ đã bị thất lạc hoặc hư hại, ngày nay hầu như chỉ còn được biết đến qua những hình vẽ. Ngoài ra, bất chấp việc có những hóa thạch mới được phát hiện thì việc nghiên cứu khủng long ở Ấn Độ đã trải qua sự gián đoạn khá lâu sau khi đất nước này giành lại độc lập từ tay Đế quốc Anh vào năm 1947. Sau Brachypodosaurus vào năm 1934, phải hơn bốn thập niên sau thì Ấn Độ mới có danh pháp khủng long tiếp theo được công bố, đó là Barapasaurus vào năm 1975. Sau đó thì nhiều danh pháp khủng long mới tiếp tục được xác định, đến nay đã là khoảng 26 danh pháp chi, đưa Ấn Độ lọt vào top 3 quốc gia có nhiều khủng long nhất châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Mông Cổ. Tuy nhiên, cũng có một số danh pháp sau quá trình nghiên cứu bị cho là không hợp lệ hoặc đồng nghĩa, chẳng hạn như Titanosaurus.

Không chỉ có hóa thạch xương khủng long, ở Ấn Độ còn có những dạng hóa thạch khủng long khác, chẳng hạn như dấu chân và đặc biệt là trứng. Mới đây thôi, người ta đã phát hiện một khu vực sinh sản của khủng long hộ pháp titanosaur ở Ấn Độ, với 92 chiếc tổ và khoảng 520 quả trứng tại thung lũng Narmada, bang Madhya Pradesh. Cũng không lâu sau, các nhà khoa học lại tiếp tục phát hiện người dân ở đây có tập tục thờ những viên đá hình tròn, sơn vẽ họa tiết tâm linh và cúng dừa cho những viên đá này. Sau khi phân tích, họ nhận ra đây chính là trứng khủng long hóa thạch. Rất có thể, người Ấn Độ đã tìm thấy hóa thạch khủng long từ rất sớm và thậm chí coi chúng như những biểu tượng trong văn hóa tâm linh của họ, dù không ai có thể xác nhận điều này 100%.

Người Ấn Độ từng thờ cúng những viên đá hình tròn mà không hề biết đó là trứng khủng long.

SỰ ĐỘC ĐÁO CỦA QUẦN THỂ KHỦNG LONG ẤN ĐỘ

Vậy quần thể khủng long Ấn Độ khác biệt so với châu Á như thế nào?

Bên cạnh những nhóm khủng long tương đồng, chẳng hạn như khủng long hộ pháp Titanosauria, Ấn Độ sở hữu những họ khủng long riêng biệt hầu như không từng được tìm thấy ở bất cứ đâu tại châu Á. 

Một là họ Abelisauridae. Abelisauridae là một họ khủng long theropod ăn thịt với đặc trưng là hộp sọ ngắn và chi trước cũng ngắn, ngắn hơn cả T. rex. Chi tiêu biểu của họ, kể tên ra ai cũng biết chắc là Carnotaurus. Họ khủng long này phân bố chủ yếu ở châu Phi, Nam Mỹ, Madagascar và Ấn Độ. Ở các nước châu Á khác chưa từng tìm thấy hóa thạch của một loài thuộc họ Abelisauridae. Trong khi đó ở Ấn Độ, chúng ta đã có ít nhất ba danh pháp thuộc họ này, gồm Indosuchus, Rajasaurus và Rahiolisaurus. Chi abelisauridae của Madagascar là Majungasaurus được cho là có họ hàng gần với các abelisaurid của Ấn Độ hơn là abelisaurid của Nam Mỹ. Chúng cũng là nhóm khủng long theropod ăn thịt phổ biến nhất tại Ấn Độ hiện nay.

Indosuchus, một chi khủng long thuộc họ Abelisauridae của Ấn Độ.

Hai là họ Dicraeosauridae, họ khủng long sauropod có kích cỡ từ nhỏ đến trung bình, có cổ tương đối ngắn so với các sauropod khác và nằm trong siêu họ lương long. Năm 2023, một phát hiện tại Ấn Độ đã làm thay đổi hiểu biết của ngành cổ sinh về nguồn gốc của họ Dicraeosauridae, khi tại sa mạc Thar, họ đã khai quật được hóa thạch của Tharosaurus indicus, một loài khủng long Dicraeosauridae, cũng là loài đầu tiên thuộc họ này được tìm thấy ở Ấn Độ. Quan trọng hơn, niên đại của Tharosaurus là khoảng 167 triệu năm, cổ nhất trong họ Dicraeosauridae. Điều này làm khơi lên giả thuyết rằng, họ Dicraeosauridae có khởi nguồn từ chính vùng đất Ấn Độ ngày nay trước khi lan rộng ra châu Phi và Nam Mỹ. Ngoài Ấn Độ, châu Phi và Nam Mỹ ra thì chỉ có duy nhất hai loài Dicraeosauridae được tìm thấy ngoài các khu vực từng là lục địa Gondwana trước kia, đó là Lingwulong shenqi ở Trung Quốc và Suuwassea ở Bắc Mỹ.

Tất nhiên, vẫn có khả năng còn nhiều hóa thạch khủng long chưa được khai phá hết, nên những giả thuyết trên vẫn chưa nói được chính xác các diễn biến về kiến tạo lục địa hay trao đổi giữa hệ sinh thái của các lục địa trên Trái đất trong quá khứ. Có thể vẫn còn nhiều điều nữa chờ chúng ta khám phá trong tương lai trong dữ liệu hóa thạch.

Tharosaurus indicus, loài khủng long cổ nhất thuộc họ Dicraeosauridae và được tìm thấy tại Ấn Độ.

Ấn Độ không phải là không có những cái tên khủng long nổi tiếng, nhưng những cái tên đó lại tồn tại những vấn đề khiến chúng chưa thể được thế giới biết đến nhiều hơn. Tiêu biểu nhất chính là Titanosaurus. Là một trong những loài khủng long được khám phá sớm nhất tại châu Á, nhưng sự mất mát về hóa thạch, đặc biệt là mẫu định danh đã khiến cho Titanosaurus bị coi là một danh pháp đồng nghĩa và không hợp lệ nữa. Mặc dù có hẳn một nhánh khủng long được gọi tên dựa trên danh pháp Titanosaurus là Titanosauria, nhưng danh pháp này chỉ còn được xem là một phần của lịch sử. 

Một cái tên khác cũng gây tranh cãi là Bruhathkayosaurus. Từng có những nghiên cứu dựa trên hình vẽ hóa thạch mẫu định danh của chi khủng long tuyên bố rằng nó là khủng long lớn nhất từng tồn tại với kích thước có thể lên đến 40-45m chiều dài và cân nặng từ 170-220 tấn, khiến nó trở thành động vật lớn nhất từng tồn tại trên hành tinh, vượt qua cả cá voi xanh. Vấn đề là theo một báo cáo vào năm 2017, hóa thạch mẫu định danh của Bruhathkayosaurus đã tan rã và biến mất hoàn toàn, chỉ còn lại những hình vẽ hết sức sơ sài. Những ước tính khủng khiếp trên cũng không được phần lớn giới cổ sinh công nhận.

***

Hiện nay, Ấn Độ chưa có một bảo tàng chuyên về khủng long. Nếu muốn xem hóa thạch khủng long ở Ấn Độ, bạn có thể cân nhắc những địa chỉ như Bảo tàng Địa chất ISI, Bảo tàng khoa học BM Birla, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Ấn Độ. Ngoài ra ở Ấn Độ còn có một số công viên hóa thạch mở cửa cho khách tham quan như Công viên hóa thạch khủng long Raiyoli, Công viên hóa thạch Wardham. Nếu có dịp du lịch đến Ấn Độ và muốn chứng kiến những hóa thạch khủng long đặc trưng của Ấn Độ, hãy thử tìm đến những địa điểm này nhé!

Đăng nhận xét

0 Nhận xét