CÁI "ÔM" 250 TRIỆU NĂM

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnĐây là câu chuyện về một cặp đôi kỳ lạ trong lịch sử khám phá hóa thạch.

Tranh minh họa của Irene Goede. Ảnh: Hamsports.

250 triệu năm trước...

Đó là một ngày cuối mùa hè ở phía Nam lục địa Pangea, Kỷ Tam Điệp. Trong một bụi cây, có một con lưỡng cư nhỏ đang ẩn nấp. Nó đang trên đường đi kiếm ăn, thì bị một con bò sát to hơn tấn công. May sao, bản năng đã giúp nó thoát nạn, nhưng vụ tấn công cũng khiến nó bị thương. Một số xương sườn đã bị gãy. Nó không thể đi một quãng đường xa để quay trở về tổ của mình được.

Nó cần phải tìm cho mình một nơi ẩn nấp tạm thời.

Bản năng lại một lần nữa giúp nó xác định được chỗ mà nó có thể trú chân vài ngày để chờ hồi phục. Đó là một cái hang đào. Nhưng đó là hang của ai? Liệu sẽ có một loài săn mồi nào khác đang chờ nó trong đó chứ? Con lưỡng cư không biết. Nhưng nó cũng không còn cách nào khác. Môi trường hang tối tăm là nơi giúp nó có thể tránh được ánh nắng Mặt trời, và có độ ẩm cần thiết để nó không bị khô đi dưới cái nóng của mùa hè. Nó phải đưa ra quyết định.

Bằng sự thận trọng của một kẻ bị thương, con lưỡng cư từ từ tiến về cái hang và chui vào đó. Cái hang có vẻ không quá sâu, nhưng thừa bề rộng để con lưỡng cư chui vào. Nếu nó là của một con vật nào khác, chắc chắn nó sẽ to hơn con lưỡng cư này. 

Và rồi, con lưỡng cư nghe thấy tiếng gì đó. Là tiếng thở. Những tiếng thở đều đặn, phát ra từ một con vật đang ngủ. Trong bóng tối, con lưỡng cư chỉ nhìn được hình hài của một con vật khác đang nằm ở cuối hang. Nghe động, con vật đó ngước mắt lên nhìn con lưỡng cư đang như muốn nín thở chờ giờ phút phán quyết của mình.

Nhưng có vẻ như đã quá mệt và muốn tiếp tục giấc ngủ dang dở, con vật đó lại hạ đầu xuống, cuộn tròn lại một lần nữa. Dường như nó không quan tâm kẻ xâm nhập là ai, hoặc bản năng của nó cho biết kẻ xâm nhập này không hề nguy hiểm.

Mọi nỗi sợ của con lưỡng cư lúc này như tan biến. Nếu ra ngoài bây giờ, có lẽ nó sẽ chết sớm hơn. Ở trong hang này, biết đâu nó còn có thể sống thêm vài ngày. Và không biết lấy can đảm ở đâu ra, nó đánh bạo tiến lại gần chủ nhân của cái hang. Nó cũng cuộn tròn người lại, đánh một giấc ngon lành bên cạnh con vật kia. Hai kẻ xa lạ cứ thế mà ngủ bên nhau, yên bình đến lạ.

Ngày hôm đó, trời bắt đầu đổ mưa...

250 triệu năm sau - vào năm 1975, tại Nam Phi, một nhà khảo cổ học tên là James Kitching đã khám phá ra nơi an nghỉ cuối cùng của một loài tổ tiên của động vật có vú với kích thước nhỏ từng sống cách đây 250 triệu năm trước. Một phần nhỏ của hộp sọ lồi ra bên ngoài viên đá, nhưng hình dạng và thành phần của lớp đá bao bọc xung quanh cho thấy con vật tội nghiệp đã qua đời trong một cái hang đào - và rất có thể bên trong còn nhiều mảnh xương nữa. 

Kitching khá chắc chắn về nhận định của mình và ông quyết định đục viên đá ra. Ông đã đúng, có rất nhiều mảnh xương khác bên trong và sau đó, hóa thạch này đã được đưa vào bộ sưu tập của Viện Nghiên cứu Tiến hóa Johannesburg thuộc Đại học Witwatersrand. Nhưng Kitching không hề biết vẫn còn một thứ đặc biệt nữa bên trong hóa thạch mà ông vừa khám phá được.

Những gì mà Kitching thấy ban đầu là một phần hóa thạch của một con Thrinaxodon. Người ta tìm thấy không ít hóa thạch của những con vật này đang nằm cuộn bên trong những cái hang đào. Người ta vẫn chưa biết liệu có phải tự thân Thrinaxodon đào những cái hang này hay không, nhưng dữ liệu hóa thạch cho thấy rằng hành vi ngủ trong những cái hang đào dưới đất để tránh cái nóng khắc nghiệt của mùa khô là điều phổ biến ở Thrinaxodon.

Khi xem xét kỹ hơn, các nhà khoa học đã vô cùng ngạc nhiên khi nhận ra trong chốn an nghỉ cuối cùng này, con Thrinaxodon không chỉ có một mình. Nằm trong tư thế ngửa bụng ngay phía trên con Thrinaxodon là một con lưỡng cư hiếm có, giống con giông thời nay có danh pháp khoa học là Broomistega. Người ta không hề biết về sự hiện diện của hóa thạch Broomistega bên cạnh Thrinaxodon cho đến khi nhà cổ sinh vật học Vincent Fernandez và các đồng nghiệp ở Đại học Witwatersrand chụp cắt lớp phần bên trong của cái hang đào hóa thạch vào năm 2013. Trong hình ảnh chụp cắt lớp, những chi tiết của cặp đôi hóa thạch nằm nghỉ bên cạnh nhau đã hiện ra trước mắt các nhà khoa học - giống như chúng đang ôm nhau ngủ vậy.

Ảnh chụp bên trong hóa thạch. Ảnh: National Geographic.

Ngay lập tức, các nhà khoa học đặt câu hỏi: Làm thế nào chúng lại ở cạnh nhau và cùng hóa thạch như vậy? Bản thân hóa thạch này không thể giúp các nhà khoa học đưa ra câu trả lời chính xác 100%, nhưng Fernandez và các đồng nghiệp đã thu hẹp các khả năng lại.

Dù không biết liệu cái hang này có phải là do con Thrinaxodon tạo ra hay không, những khám phá hóa thạch trước đó cùng các đặc điểm giải phẫu học không thích hợp cho việc đào hang của Broomistega cho thấy loài động vật có vú thời tiền sử mới là chủ nhân của nơi trú ẩn này. Và dù cho cả hai con vật đã bị chôn vùi trong một hỗn hợp gồm nước và trầm tích đã tràn vào hang đào, thì phải ngẫu nhiên lắm bùn lỏng mới đưa nguyên một con lưỡng cư còn sống vào trong hang.

Với khả năng bị chôn vùi cùng nhau một cách ngẫu nhiên khó xảy ra, có vẻ như con Broomistega hoặc đã bị con Thrinaxodon kéo vào trong hoặc tự nó đã chui vào hang đào. Vế sau có vẻ đúng hơn. Dù trên xương của Broomistega có hai dấu vết nghi là dấu răng, thì kích cỡ và khoảng trống giữa hai dấu vết này không phù hợp với đặc điểm răng của loài Thrinaxodon. Thay vào đó, Fernandez và các đồng nghiệp đặt giả thuyết rằng Broomistega chỉ đi lạc vào trong hang đào khi Thrinaxodon đã ngủ say, và Broomistega đã nằm tại đó cho đến khi một lớp bùn chôn sống cả hai.

Hành vi ở chung một nơi giữa hai giống loài khác nhau như vậy rất hiếm, ngay cả với các động vật hiện đại, nhưng rất có thể con Broomistega có lý do quan trọng để tìm nơi trú ẩn bên cạnh con Thrinaxodon. Thứ nhất, con Broomistega có một số xương sườn đã bị gãy và mới chỉ hồi phục được một phần, do đó khả năng di chuyển và hô hấp của nó bị hạn  chế. Thứ hai, một sinh vật có thể nhanh chóng chết khô nếu lang thang dưới ánh nắng Mặt trời của mùa khô, nên có lẽ hang đào của con Thrinaxodon là nơi gần nhất để ẩn náu cho con Broomistega đang bị thương. Miễn là nó không làm phiền con Thrinaxodon đang ngon giấc trong một giấc ngủ dài ngày, nó sẽ được nghỉ ngơi trong bóng mát mà không bị xơi tái bởi cặp hàm sắc nhọn của con vật chủ hang. Trong bóng tối, những người hàng xóm Kỷ Tam Điệp đã nằm cạnh nhau, chết và trở thành hóa thạch cùng nhau.

Ngoài ra, những netizen lãng mạn cũng tự tạo ra những giả thuyết cho mình: con Broomistega trong lúc chạy trốn tai ương đã vô tình chui vào cái hang của Thrinaxodon, rồi được vị chủ nhà che chở trước khi thảm họa biến cái hang thành nấm mồ chung cho cả hai. Bạn có thể xem những clip như vậy ở đây hoặc ở đây.

Nguồn: Laelaps, "A Triassic Cuddle Set in Stone" / National Geographic.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét