PALEOART: LỊCH SỬ KỲ LẠ CỦA KHỦNG LONG TRONG NHỮNG BỨC TRANH

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnKể từ đầu thế kỷ XIX, các họa sĩ đã bắt đầu vẽ những bức tranh màu sắc, nhuốm màu tưởng tượng về khủng long và môi trường thời tiền sử, pha trộn giữa khoa học và những hình dung có phần quái lạ. Loại hình nghệ thuật này được gọi là "paleoart" (tạm thời chưa có từ tiếng Việt tương đương) và là chủ đề của một cuốn sách mới cùng tên: Paleoart: Vision of the Prehistoric Past.

Mời các bạn cùng chiêm ngưỡng một số bức họa paleoart tuyệt đẹp (dù có thể không còn chính xác về mặt khoa học) được tác giả cuốn sách giới thiệu.

"Model room at the Crystal Palace" (Phòng Mô hình tại Crystal Palace) của Philip Henry Delamotte, 1853.

Bức họa này thể hiện những bức tượng khủng long đang được điêu khắc gia lịch sử tự nhiên Benjamin Waterhouse Hawkins thực hiện trên sàn của khu triển lãm Crystal Palace. Ông đã thực hiện 33 bức tượng quái thú trong hơn 2 năm. Năm 1853 cũng là lần đầu tiên khủng long được đề cập trong một tác phẩm tiểu thuyết, đó là Megalosaurus trong cuốn Bleak House của Charles Dickens. 

"The Primitive World" (Thế giới nguyên thủy) của Adolphe François Pannemaker, 1857.

Đối với những họa sĩ vẽ paleoart đầu tiên, những khúc xương hóa thạch cũng giống như một tấm lụa trắng để họ thể hiện trí tưởng tượng bay bổng của mình. Pannemaker, cũng giống như những họa sĩ cùng thời, đã đưa các hình tượng trong Kinh Thánh và thần thoại cổ vào các tác phẩm của mình; ở đây, thời tiền sử xuất hiện giống như một chiến trường ngày tận thế, chìm trong lửa, sấm chớp và một ngọn núi lửa đang phun trào.


"The Ichthyosaur and the Plesiosaur" (Ichthyosaur và Plesiosaur) của Édouard Riou; Laurent Hotelin và Alexandre Hurel khắc, 1863.

Ngay từ thuở ban đầu, các họa sĩ và nhà khoa học đã minh họa các loài ichthyosaur và plesiosaur như những kẻ thù không đội trời chung. Chiến đấu trên những con sóng, hai loài bò sát này đã trở thành mô típ duy nhất nổi trội trong paleoart thế kỷ XIX, một phần vì chúng mang tính biểu tượng hoàn hảo cho những cuộc xung đột hoàn hảo của thời đại này.

"Laelaps" của Charles R. Knight, 1897.

Knight là một trong những họa sĩ paleoart tiên phong của Mỹ, và "Laelaps" là bức họa có ảnh hưởng cực kỳ sâu sắc khi minh họa khủng long tương đối chính xác và đáng tin cậy về mặt giải phẫu học và chuyển động. Một số người tin rằng những con khủng long săn mồi này đại diện cho cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa hai nhà cổ sinh vật học Othniel C. Marsh và Edward Drinker Cope, khi cả hai từng cho nổ tung các khu vực khai quật bằng thuốc nổ để ngăn cản công việc của nhau.

"Tarbosaurus and armoured dinosaur" (Tarbosaurus và khủng long thân giáp) của Konstantin Konstantinovich Flyorov, khoảng 1955. Ảnh: Borrissiak Paleontological Institute RAS.

Dù người ta chủ yếu xem Flyorov là một nhà khoa học, nhưng ông không bao giờ vẽ các bức tranh minh họa dựa trên dữ liệu có thật. Ông thường không xem trọng các di vật xương và hiếm khi tham vấn các nhà cổ sinh vật học về hành vi hoặc giải phẫu học của các sinh vật cổ đại. Với tình yêu dành cho những màu sắc sinh động, Flyorov thường tạo ra những con quái vật của mình từ hình ảnh của những loài động vật hiện đại, bổ sung vào đó gai, ngà, bướu và sừng.

"Tyrannosaurus and Edmontosaurus" (TyrannosaurusEdmontosaurus) của Ely Kish, khoảng 1976. Ảnh: Eleanor Kish, © Canadian Museum of Nature

Là một trong những phụ nữ hiếm hoi dấn thân vào lĩnh vực này, các chủ đề của họa sĩ người Canada Ely Kish thường được xây dựng trên bối cảnh là những điều kiện thời tiết cực đoan. Hoạt động từ cuối thập niên 1970 cho đến đầu thập niên 1990, Kish làm việc trong giai đoạn các nhà khoa học lần đầu nhận thức và công bố những vấn đề biến đổi khí hậu. Bà đã vẽ nhiều cảnh nói về sự kiện tuyệt chủng hàng loạt đã tiêu diệt khủng long, ngụ ý nỗi lo của thời hiện đại trong những hình ảnh tận thế thời tiền sử.

Nguồn: "Paleoart: the strange history of dinosaurs in art – in pictures" / The Guardian.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét