CÂU CHUYỆN VỀ CỤC C*T KHỦNG LONG CÓ TÊN VÀ LỚN NHẤT THẾ GIỚI

[Mê Khủng Long - Dinophile.vnTên của nó là Barnum. Nó thuộc một bảo tàng trực tuyến về phân hóa thạch tên là Poozeum với bộ sưu tập phân hóa thạch lớn nhất thế giới.

Poozeum là một từ ghép, ghép giữa "poo" (nghĩa là "c*t) và "museum" (bảo tàng), và bạn hoàn toàn có thể hiểu theo nghĩa đen rằng Poozeum chính là một bảo tàng về "chất thải" của các loài động vật, nhưng đương nhiên là không phải "hàng tươi" rồi, vì như thế bốc mùi lắm. Thay vào đó, Poozeum là một bảo tàng trực tuyến tập trung sưu tầm và trưng bày phân hóa thạch, tiếng Anh gọi là coprolite. Nhờ đó, khách tham quan sẽ không bị ám ảnh bởi mùi của những hiện vật được trưng bày.

Cục phân Barnum. Ảnh: Poozeum.

Poozeum khởi đầu từ mối duyên nợ của chàng trai 18 tuổi George Frandsen, khi anh còn là sinh viên đại học. Trong một lần được giảng viên yêu cầu sưu tầm một mẫu vật hóa thạch bất kỳ, George tình cờ đi ngang một cửa hàng đồ cổ và thấy một thứ kỳ lạ mà anh chưa gặp bao giờ. "Cái này là gì thế?" anh hỏi. "Phân đấy!" ông chủ cửa hàng trả lời. "Nhưng không phải phân thường đâu, mà là phân hóa thạch." 

Có một loại hóa thạch không hình thành từ xương động vật mà từ dấu vết của chúng. Dấu vết ở đây bao gồm những thứ như dấu chân, hang đào và... phân (được gọi là coprolite). Người ta có thể phân tích coprolite và các loại hóa thạch dấu vết khác để tìm hiểu về hành vi, tập quán của các loài động vật. Đây có thể coi là một loại hóa thạch có giá trị khoa học rất lớn. Xem thêm về hóa thạch tại đây.

George ồ lên. Anh không hề nghĩ rằng phân hóa thạch có tồn tại. Và điều đó khiến George cảm thấy tò mò, hứng thú trước thứ này. "Nó vừa hài hài, vừa thú vị làm sao," George kể lại sự khởi đầu công cuộc sưu tập phân của mình. "Với một chàng trai mới 18 tuổi thì tất cả những gì anh ta thích là sự hài hước và thú vị." Vậy là Poozeum ra đời. George dành hết tâm huyết của mình đi khắp nước Mỹ để sưu tầm bằng được những mẫu phân hóa thạch quý giá nhất, với đủ mọi niên đại: cổ nhất là 400 triệu năm và gần nhất là 10.000 năm. Nhưng cổ thôi thì chưa đủ làm "nhà sưu tập phân" của chúng ta hài lòng. Anh còn muốn chúng phải độc, phải hiếm, phải phá kỷ lục nữa. Đó chính là suy nghĩ đã đưa anh đến với Barnum, "phân vật" chính trong câu chuyện của chúng ta.

Trước Barnum, cục phân hóa thạch nắm giữ kỷ lục lớn nhất thế giới là sản phẩm của một con T. rex, có kích thước 44x16cm và thuộc sở hữu của Bảo tàng Hoàng gia Saskatchewan (Canada). Nó được sách kỷ lục Guinness công nhận vào năm 2017. George biết, nếu muốn nâng tầm danh tiếng của Poozeum, anh phải có trong tay thứ gì đó nổi bật hơn thế. Vậy là anh bắt đầu công cuộc tìm kiếm của mình, dù biết rằng việc này khó hơn mò kim đáy bể. Suốt hơn hai năm trời, người chủ của Poozeum hầu như không thu được kết quả gì.

Đến năm 2020, mọi thứ tưởng chừng cũng không khá hơn cho đến khi George nghe tin người ta vừa đào được một thứ gì đó ở Nam Dakota (Mỹ). Anh tức tốc đến nơi và thứ đó không hề khiến anh thất vọng. Đó là một cục phân T. rex hóa thạch cỡ lớn, lớn hơn nhiều so với cục phân hóa thạch của Bảo tàng Hoàng gia Saskatchewan! Không thể bỏ lỡ cơ hội này, George nài nỉ người tìm thấy cục phân cho anh mua lại, và cuối cùng cũng được toại nguyện. Bằng một mức giá không được tiết lộ, George mua lại được cục phân và đặt tên cho nó là Barnum, theo tên của nhà cổ sinh vật học đã khám phá ra hóa thạch đầu tiên của loài khủng long Tyrannosaurus rex, Barnum Brown. Ngay sau đó, anh mời tổ chức kỷ lục Guinness đến để xem xét hiện vật của mình, và qua một quá trình thẩm định kỹ càng, cuối cùng Barnum cũng được công nhận là cục phân hóa thạch của một loài ăn thịt lớn nhất thế giới.

Cục phân hóa thạch Barnum có kích thước dài gần gấp rưỡi cục phân nắm giữ kỷ lục trước đó (67,5cm so với 44cm), chiều rộng thì gần tương đương (15,7cm so với 16cm). Về cân nặng, Barnum nặng đến 9,28kg và bạn sẽ khá mỏi tay nếu phải cầm nó trong thời gian dài. Niên đại của Barnum là khoảng 70-66,5 triệu năm trước, dựa trên niên đại của thành hệ Hell Creek, nơi nó được tìm thấy. Vì sự quý giá của nó mà George Frandsen phải bọc nó trong một lớp thạch cao để cục phân không bị vỡ vụn, chỉ để lộ một phần bên ngoài cho công chúng chiêm ngưỡng.

Barnum khi được đặt tại một khu trưng bày của bảo tàng. Ảnh: Click Orlando.

Đến đây chắc các bạn sẽ đặt câu hỏi: Làm sao để biết Barnum chính là một cục phân, hơn nữa lại là phân của T. rex? Thứ nhất, để xác định xem một hóa thạch có đúng là coprolite hay không, người ta sẽ phải phân tích huỳnh quang thông qua một phòng thí nghiệm. Nếu trong hóa thạch có sự hiện diện của một lượng lớn phốtpho và canxi thì người ta biết đó là coprolite. Kết quả phân tích của Barnum cũng giống như những cục phân hóa thạch của loài ăn thịt từng được tìm thấy trước đó. Thứ hai, nó có hình dạng của phân! Barnum có hình dạng thuôn dài, bo tròn ở đầu trên và hơi phẳng ở đầu dưới; nó cũng xếp thành hình cong gọn gàng, điều sẽ xảy ra khi nó rơi từ "lỗ hậu" của con T. rex xuống dưới đất. Thứ ba, người ta tìm thấy sự hiện diện của những vật chất dạng xương bị nghiền nát ở trong đó, chứng tỏ chủ nhân của cục phân này là một loài ăn thịt, phải nhai cả xương của con mồi và thải ra qua đường tiêu hóa. Thứ tư, Barnum được khai quật ở nơi rất gần các hóa thạch xương của T. rex, và với một cục phân cỡ lớn như vậy, nhiều khả năng nó được tạo ra bởi một con vật khổng lồ như T. rex.

Tất nhiên, để xác định được những tiêu chí trên thì bạn phải là người có chuyên môn. Nếu không, chắc bạn sẽ thấy Barnum chẳng khác gì những cục đá bự - ai mà biết nó từng là phân của loài khủng long vĩ đại nhất T. rex cơ chứ? May thay, Barnum đã gặp được một người chủ mới có tâm và am hiểu phân hóa thạch như George Frandsen, nhờ đó nó mới trở nên nổi tiếng, là ngôi sao tại các khu trưng bày về lịch sử tự nhiên ở nhiều bảo tàng lớn trên khắp thế giới. George cũng kiếm được không ít từ việc cho các bảo tàng thuê Barnum cùng nhiều hiện vật khác thuộc Poozeum. Đó là thành quả xứng đáng dành cho đam mê của chàng sinh viên ngày nào.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét